Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Tin tức - Ngày đăng : 17:21, 17/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 17/4, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật

Theo tờ trình án Luật Cư trú (sửa đổi) được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày tại phiên họp, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa 2 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại đề nghị xây dựng vào dự thảo Luật, cụ thể:

Một là, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Số Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân.

Hai là, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú. Với phương thức quản lý được đưa ra trong dự thảo luật, không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất…

Dù vậy, vẫn có những băn khoăn về tính khả thi của quy định bởi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện và đã chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã nêu, đến nay mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Như vậy, việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi Luật này có hiệu lực (năm 2021) trong khi còn một khối lượng lớn công việc cần phải thực hiện để hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hàng chục triệu công dân cần được cấp số định danh cá nhân là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.

Cũng cho rằng việc triển khai thi hành Luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021), vậy nên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đề nghị cân nhắc thời điểm trình dự án Luật này, có thể lùi thời gian trình sang Kỳ họp thứ 10 để bảo đảm xem xét kỹ lưỡng các nội dung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề xuất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, theo đó sẽ trình dự án Luật Cư trú tại Kỳ họp thứ 10.

Tại phiên họp, các đại biểu lưu ý nội dung của dự thảo Luật cũng liên quan tới quy định tại nhiều luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thủ đô, Luật Xây dựng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Hộ tịch,... do đó đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất.

Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm kịp có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.

Thanh Hải