UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Tin tức - Ngày đăng : 16:47, 21/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm 8 dự án, cụ thể: tại Kỳ họp thứ 11 - là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV - Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV - kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới - Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, chương trình thông qua gồm: 1 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Chương trình cho ý kiến gồm 5 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối với điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo, cụ thể: Bổ sung vào Chương trình 8 dự án, dự thảo; đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020; đồng thời đề nghị các Dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá năm 2019 Chính phủ đã rất cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống; có nhiều Luật khó nhưng đã hoàn thành được các mục tiêu; số Dự án Luật rút ra so với các Kỳ trước tương đối ít. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm tốt những dự án Luật đã được đưa vào trong Chương trình, cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và về thời gian, không thể vội vàng, đảm bảo độ chín của các dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “UBTVQH nhất trí với những đánh giá về tình hình thực hiện về tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, đầu năm 2020; tán thành nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. UBTVQH thống nhất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 Dự án Luật; cho ý kiến về 6 Dự án Luật”.

P.V