Hai cuộc rượt đuổi thời hậu Covid-19

Sự kiện - Ngày đăng : 14:15, 22/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Rượt đuổi những “con” COVID - 19 cuối cùng còn trên lãnh thổ Việt Nam và rượt đuổi thời gian để phát triển kinh tế, hai cuộc rượt đuổi này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “nếu chưa đồng tốc thì đất nước chưa hết lâm nguy”.

Cuộc rượt đuổi con virus đạt được tốc độ thần tốc bởi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, trong khi tốc độ phát triển kinh tế khó mà lạc quan.

Vào hồi cuối tháng 3, cuộc họp của Thủ tướng với các địa phương bàn về các giải pháp tiến công trên mặt trận kinh tế đã lùi lại 10 ngày, vì có nhiều ý kiến lãnh đạo địa phương cho rằng lúc này cần tập trung vào chống dịch bệnh đã.

Kể cả sau 10 ngày, khi số ca nhiễm ở Việt Nam trên đà “lao dốc”, cuộc họp tổ chức lại vẫn không được khí thế lắm, mặc dù hầu hết địa phương đã bắt đầu sốt ruột về cảnh trầm lắng của nền kinh tế.

Có nhiều hơn nữa tiếng nói chia sẻ từ các địa phương khi trên mặt trận kinh tế, Chính phủ đang phải vật lộn không thua gì chống giặc COVID- 19. Chẳng hạn, đó là tiến độ giải ngân đầu tư công, không phải bây giờ, mà liên tục trong mấy năm qua, luôn làm Thủ tướng bức xúc vì “tiền giải ngân không chịu mọc chân, không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP

Nhưng dịch bệnh khiến các dự án càng không “khát tiền”. Đến hết tháng 3/2020, có 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020, với tổng số vốn theo kế hoạch khoảng 225.679 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư… chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

Tại Bộ Giao thông Vận tải, năm 2020 được giao 40 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, hết quý I/2020, khối lượng vốn đầu tư công đã được giải ngân tại các dự án do Bộ này quản lý chỉ đạt 9,9% kế hoạch.

Thu ngân sách Nhà nước cũng tình cảnh ngặt nghèo. “Đầu vào” hụt lớn do tăng trưởng giảm, Chính phủ đang cố cho GDP năm 2020 có thể đạt mức tăng 5%, nhưng như dự báo của IMF ngày 1/4, thì con số này của Việt Nam chỉ 2,7%; giá dầu thô giảm sâu; thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong dự toán năm nay là 45 nghìn tỷ đồng, đến nay chưa thu được đồng nào…

Cùng lúc, các dòng tiền chảy ra ào ào. 220 nghìn tỷ đồng thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; ngân sách Nhà nước phải chi ra 16,2 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch; 36 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Hay như giá thịt lợn, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo các cơ quan quản lý không được để loại giá này “quá đáng” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhưng xem ra nó vẫn rất “bất kham”…

Vào hồi tháng 1, Thủ tướng có yêu cầu thành lập các đội phản ứng nhanh để chống “giặc” COVID- 19 thì cũng phải thành lập các đội phản ứng nhanh để duy trì đà phát triển của nền kinh tế.

Ngày 10/4, khi chủ trì cuộc họp Chính phủ với địa phương, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các Ban Chỉ đạo để kịp thời biến nguy cơ thành thời cơ, nhất là đối với các tỉnh, thành phố là động lực, đầu tàu phát triển của các vùng và cả nước.

Tình thế đã rất cấp bách. Đầu tàu TP. Hồ Chí Minh, nơi luôn dẫn đầu cả nước về GDP,  nhưng quý I năm nay đã xuống thấp ở mức chưa từng có trong nhiều năm, khi chỉ tăng 0,42% với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều ở mức tăng trưởng âm.

“Rất lo khi nhìn số tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh quý I chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng hơn 7%”, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân quả quyết, “trong quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Kết quả phòng, chống dịch của cả nước và TP. Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn, theo đó điều kiện phục hồi sản xuất, thương mại sẽ từng bước tốt hơn”.

Đầu tàu Hà Nội, kinh tế tăng trưởng 3,72%, bằng hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 18,1%…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hứa với Thủ tướng “sẽ đưa kinh tế bật lên đúng như Thủ tướng nói là “như chiếc lò xo đang bị nén”, đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U”.

Ông Huệ cho biết Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch kết thúc. Thủ đô sẽ phấn đấu tăng trưởng ít nhất là cao gấp 1,3 lần tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Nhắn nhủ các địa phương “đừng ngủ quên trong nỗi sợ”, Thủ tướng khẳng định, “có sự hợp lực mạnh mẽ của các địa phương thì nền kinh tế đi lên. Địa phương mạnh, Trung ương sẽ mạnh”.

Trong suốt 4 năm giữ cương vị Thủ tướng, thường trực nỗi trăn trở với việc thiết lập các chính sách phân cấp mạnh, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phát huy nội lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn tin các địa phương sẽ không phụ lòng ông.

Đã bắt đầu những dấu hiệu đồng tốc của hai cuộc rượt đuổi. Bốn tháng đầu năm 2020, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn tăng 4%, ước đạt hơn 215,3 triệu tấn. Trong đó, Quảng Ngãi là khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng 61%, cao nhất cả nước; Quảng Trị tăng 46%;  một số khu vực cảng biển như Nam Định, Cần Thơ, Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng tương đối cao, từ 27 - 36%...

Tháng 5 này, Hải Phòng sẽ có hàng loạt các dự án, công trình trọng điểm dự kiến khánh thành, khởi công. Hải Phòng cũng là địa phương thành công cả hai cuộc rượt đuổi. Địa phương này chưa từng có ca nhiễm bệnh nào và tăng trưởng kinh tế quý I của Hải Phòng đạt 14,9%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 23%, đều gấp 3,9 lần so với bình quân chung cả nước….

Theo Báo Chính phủ

Lê Châu