Chính phủ trình cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội

Tin tức - Ngày đăng : 19:01, 27/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, trong phiên họp chiều ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ (dự thảo Nghị định) quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Tờ trình dự thảo Nghị định được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng, tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành…

Để xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 22-KL/TW tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển thủ đô trong điều kiện mới. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, Chính phủ cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ - CP.

Dự thảo Nghị định được xây dựng kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội, đồng thời bảo đảm quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp ở thành phố… Đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của thủ đô cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng thủ đô.

Trên cơ sở đó, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các nội dung:

Một là, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Hai là, nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Ba là, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng mức tạm ứng không quá 50% so số dư quỹ dự trữ tài chính thành phố bình quân 3 năm trước.

Bốn là, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm…

Năm là, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng chợ không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được trên địa bàn; sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện…

Sáu là, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ đề nghị: “Cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính được thực hiện từ năm ngân sách 2020”.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền quyết định các nội dung, bởi những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định hiện nay đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Theo thẩm quyền những nội dung này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần có kiến nghị cụ thể về vấn đề này đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định như: về phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố; về nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%; về việc cho phép thành phố tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; sử dụng kinh phí thường xuyên của NSĐP để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đầu tư xây dựng mới các công trình thiết yếu trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp…

Thanh Hải