Kinh doanh căn hộ dịch vụ ảm đạm vì Covid-19

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 11:04, 28/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chịu nhiều áp lực, đặc biệt sau khi khách thuê chính là người nước ngoài đang trở về quê nhà vì Covid-19.

Thị trường bất động sản Hà Nội trong quý I/2020 đã chịu những tác động của dịch Covid-19. Phân khúc căn hộ dịch vụ chứng kiến công suất giảm 8 điểm % theo quý và 11 điểm % theo năm, xuống mức 74%.

Hạng A chịu tác động nặng nề nhất, giảm 13 điểm % theo quý và theo năm. Một dự án hạng A mở cửa từ đầu tháng 1 ghi nhận công suất đạt 14%, mức thấp nhất của các dự án cao cấp gia nhập thị trường trong vòng 5năm qua. Tổng cung hiện nay tăng 2% theo quý, đạt xấp xỉ 4.700 căn từ 52 dự án.

Mặc dù có khó khăn từ khách thuê ngắn hạn, giá thuê dài hạn trung bình tăng 1% theo quý và 6% theo năm. Trong khi khu vực phía Tây và nội thành ổn định hoặc tăng 1% đến 3%, khu vực trung tâm và các khu vực còn lại giảm 1% đến 4%. Khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3, một số nhà điều hành bắt đầu giảm giá thuê 10% và tặng kèm những phiếu giảm giá dịch vụ.

Tính theo công suất thuê, các căn lớn từ 3 phòng ngủ trở lên được hấp thụ tốt. Loại 5 và 6 - phòng ngủ cho thuê kín phòng, loại 3 phòng ngủ đạt 88% và 4 phòng ngủ đạt 86%. Tuy có nguồn cung lớn hơn, tỷ lệ thuê của 1 phòng ngủ cao hơn studio. Xét 52 dự án đang hoạt động, so với studio, 1 phòng ngủ có diện tích trung bình rộng hơn 45%, giá căn cao hơn 22% và doanh thu căn vượt 44%.

 Thị trường căn hộ dịch vụ TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng công suất căn hộ hạng A bị ảnh hưởng mạnh nhất sau khi lệnh hạn chế di chuyển được ban hành. Lượng đặt thuê theo ngày giảm 20 điểm % so với quý IV/2019. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, 90% các dự án hạng A chấp nhận hợp đồng thuê theo tháng và 35% tổng lượng khách thuê ở trong ngắn ngày.

Các chuyên gia châu Á tiếp tục là nguồn cầu then chốt của thị trường căn hộ dịch vụ. Tuy nhiên, tính đến tháng 3, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội (MOLISA) thống kê có xấp xỉ 25.500 lao động nước ngoài chưa quay lại, chiếm 37% tổng số được cấp giấy phép trên toàn quốc. Nguồn cầu chính bị ảnh hưởng trực tiếp do lệnh tạm thời cấm cấp phép thị thực vào Việt Nam. Nếu đại dịch kéo dài, hoạt động phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ vẫn chưa chạm đáy trong quý I/2020 nhờ hiệu lực của những hợp đồng dài hạn hiện nay. Ngoài chính sách giảm giá, các dự án nên đảm bảo các phương pháp bảo hộ cho khách thuê, đồng thời nâng cấp các tính năng kiểu gia đình để thu hút những nhu cầu thuê lâu dài tương lai.

Savills Việt Nam dự báo, những nhà đầu tư kinh doanh căn hộ mua để cho thuê cũng sẽ cạnh tranh trực tiếp trên cùng tệp khách hàng. Những nhà quản lý căn hộ dịch vụ nên xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh quay về thời hạn thuê truyền thống sau khi tình hình khó khăn thuyên giảm. Cũng theo Savills Việt Nam 6 dự án với xấp xỉ 700 căn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Từ năm 2022 trở đi, 4 dự án lớn sẽ cung cấp hơn 200 căn/dự án, phần lớn tập trung tại quận Tây Hồ.

Dự báo thị trường căn hộ dịch vụ dự kiến sẽ mau chóng phục hồi ngay khi biên giới được mở cửa trở lại.

Minh Hoàng