Những ngày Quốc tế lao động gắn với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 07:30, 01/05/2020
Ngày 1/5/1920, báo cáo của mật thám ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội Pháp và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 1/5/1924, theo lời mời của Thành ủy Moscow và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu trong cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Hồng trường (Moscow).
Ngày 1/5/1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ Nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông tiến tới thành lập Hội Nông dân.
Ngày 1/5/1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng, đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết: “Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích”.
Ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi chúng phải cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Báo Người Lao Khổ - của Khu bộ Vinh - Bến Thuỷ mấy hôm sau, viết rằng: “Lần đầu tiên, anh em lao - nông nắm tay nhau giữa trận tiền”. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của nước ta.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi:“Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1/5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Ngày 1/5/1948, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cung tự cấp, tự túc, đi kịp người thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.
Ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”.
Cùng ngày, Báo “Nhân Dân” đăng bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” của Bác với bút danh C.B., Bác nêu rõ: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ phát triển tài năng... trí thức ta cần cải tạo tư tưởng và sửa đổi lề lối làm việc”.
Ngày 1/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Mấy khuyết điểm của báo chí ta” của Bác, đi đến kết luận: “Nói tóm lại, để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa”.
Ngày 1/5/1958, Bác đưa ra “Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động” khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới... Ngày 1/5 năm nay là một ngày đoàn kết, đấu tranh, tin tưởng và phấn khởi”.
Ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá – Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.
Tối ngày 1/5/1966, sau buổi xem Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình từ tuyến lửa về biểu diễn trong Phủ Chủ tịch, Bác bày tỏ cảm tưởng: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.