Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Ngân hàng đang thay khách hàng chịu một số khoản phí tin nhắn SMS
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:29, 29/04/2020
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam |
Phóng viên: Bất chấp các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, giới chuyên môn cho rằng, thời điểm này là thời cơ vàng để các ngân hàng phát triển mạnh thanh toán trực tuyến. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Tim Evans: Với sự tham gia sôi động của các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ tài chính (fintech) và các tổ chức trung gian thanh toán… đã góp phần giúp hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Cùng với đó, môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện hơn, khi nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công cùng hưởng ứng tham gia phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển này là, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn có tốc độ tăng trưởng khá nhanh với khoảng 35,4 triệu người dùng, tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD trong năm 2019. Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khi Chính phủ chỉ đạo và người dân thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế ra đường và tránh tiếp xúc nơi công cộng… đã và đang tác động mạnh mẽ đến hành vi của người tiêu dùng. Sự tiện lợi và an toàn trong thanh toán trực tuyến, cũng như việc ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi khách hàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, đã giúp số người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ giao dịch trực tuyến và thanh toán điện tử gia tăng mạnh. Khi dịch vụ ngày càng gần gũi với người dân hơn, ưu việt hơn, sẽ thay đổi được thói quen thanh toán từ truyền thống sang hình thức thanh toán trực tuyến.
Các ngân hàng cũng đang nhận thức rất rõ những lợi ích của thanh toán trực tuyến cho chính bản thân mình. Một khi các ngân hàng triển khai công nghệ thành công thì các giao dịch có thể được xử lý nhanh hơn với chi phí thấp hơn, ít lỗi xử lý kỹ thuật hơn với ít nhân lực quản lý các thao tác này hơn.
Từ đây, nhu cầu mở rộng các chi nhánh, phòng giao dịch và máy ATM của các ngân hàng sẽ giảm xuống, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ phát triển hơn. Trong tương lai gần, một xã hội ưu tiên dùng tiền mặt sẽ không còn được duy trì, thay vào đó là một xã hội khuyến khích không dùng tiền mặt hay một nền kinh tế có nền tảng thanh toán trực tuyến phát triển. Do đó, thời điểm này được cho là cơ hội để Nhà nước và các ngân hàng thương mại thúc đẩy sự phát triển của thanh toán điện tử nhanh hơn và toàn diện hơn.
Phóng viên: Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, HSBC Việt Nam đã có những giải pháp gì để hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại ngân hàng?
Ông Tim Evans: Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bên cạnh việc duy trì các hoạt động ngân hàng tại các chi nhánh và phòng giao dịch không bị gián đoạn, HSBC Việt Nam cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các kênh giao dịch điện tử bao gồm ngân hàng điện tử (internet banking), ngân hàng di động (mobile banking) và ngân hàng qua điện thoại (phone banking). Một trong những động thái khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán trực tuyến xuyên suốt mùa dịch là chúng tôi miễn phí chuyển tiền khi thực hiện giao dịch chuyển khoản trong nước bằng tiền đồng thông qua ngân hàng trực tuyến hoặc ngân hàng qua điện thoại thông qua ứng dụng HSBC Mobile Banking từ ngày 10/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
Song song với đó, chúng tôi cũng không ngừng phát triển, cải tiến giao diện và ứng dụng nhằm mang đến cho khách hàng các giao dịch thanh toán tiện lợi, an toàn và hiện đại hơn.
Phóng viên: Sau khi triển khai các giải pháp như trên, kết quả đạt được đối với hoạt động thanh toán trực tuyến qua các kênh như: internet banking, mobile banking… tại HSBC Việt Nam từ đầu năm đến nay như thế nào, thưa ông?
Ông Tim Evans: Là ngân hàng tiên phong trong việc cung ứng các giải pháp thanh toán hiện đại trên thị trường, thời gian gần đây HSBC Việt Nam đã tập trung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán, hoàn thiện các nền tảng thanh toán trực tuyến của ngân hàng bao gồm: internet banking, mobile banking và phone banking, nhằm đáp ứng xu hướng thanh toán mới, mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng.
Chúng tôi nhận thấy khách hàng hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các giao dịch thanh toán trực tuyến đặc biệt nhiều hơn so với trước. Cụ thể, số lượng khách hàng truy cập vào ứng dụng mobile banking của ngân hàng HSBC Việt Nam đang tăng rất nhanh với số lượng giao dịch trong tháng 3/2020 tăng 100% so với tháng 12 năm ngoái. Và chúng tôi kỳ vọng thanh toán trực tuyến sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong một xã hội hiện đại.
Phóng viên: Thống kê cho thấy, phí nhà mạng viễn thông dành cho các tin nhắn SMS của ngân hàng đang cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Điều này đang có những tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh cũng như mục tiêu miễn, giảm phí cho khách hàng đang được ngân hàng triển khai?
Ông Tim Evans: Tại HSBC Việt Nam, chúng tôi đang sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn: thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, thông báo giao dịch trên thẻ tín dụng và thẻ thanh toán của khách hàng và cả dịch vụ chăm sóc khách hàng… Mặc dù chi phí cho việc cung cấp dịch vụ tin nhắn SMS là một thành phần quan trọng trong chi phí hoạt động của dịch vụ ngân hàng bán lẻ nhưng HSBC Việt Nam vẫn đang thay khách hàng chịu một số khoản phí này, chẳng hạn HSBC Việt Nam không tính phí dịch vụ SMS cho dịch vụ thông báo giao dịch trên thẻ tín dụng.
Chúng tôi muốn khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ của ngân hàng nhưng luôn an tâm và tính an toàn của các giao dịch mà mình thực hiện, tránh tình trạng bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Phóng viên: Để vượt qua khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, HSBC Việt Nam có kiến nghị như thế nào đối với cơ quan quản lý, các nhà mạng trong việc chia sẻ gánh nặng chi phí nói chung, phí SMS nói riêng?
Ông Tim Evans: Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị các nhà mạng viễn thông giảm phí SMS để hỗ trợ ngân hàng vượt qua khó khăn do tác động từ dịch Covid-19. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần chủ động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn luôn hỗ trợ các ngân hàng tháo gỡ những khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy sự phát triển của một xã hội hiện đại không dùng tiền mặt. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế của một tổ chức hội nghề nghiệp, là cầu nối đáng tin cậy giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ các hội viên để cùng hợp tác, phát triển an toàn và hiệu quả.
Các ngân hàng đang duy trì, sử dụng tin nhắn SMS là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn và sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, ngân hàng cũng rất cần sự chung tay chia sẻ từ các nhà mạng viễn thông qua giảm phí tin nhắn SMS. Điều này không chỉ giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho các ngân hàng, mà còn đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng của hai bên.
Chúng tôi cho rằng, việc các ngân hàng và công ty viễn thông phối hợp hiệu quả thông qua giảm chi phí tín nhắn SMS sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho khách hàng là chương trình hành động có ý nghĩa, vừa chung tay cùng chính phủ trong việc phát triển xã hội thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khách hàng giao dịch an toàn xuyên suốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!