Chuyên gia cảnh báo chiêu ‘lách’ thuế của doanh nghiệp FDI

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 18:05, 29/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo các chuyên gia của VEPR, gần đây xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cho thấy, trong những năm gần đây, tình trạng trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này đã gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước cũng như tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng. Hành vi trốn và tránh thuế có thể xảy ra ở mọi doanh nghiệp, cả các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều với động cơ trốn thuế như nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2018, công tác thanh tra kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền thuế lên tới nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, hiện tượng trốn và tránh thuế có xu hướng ngày càng gia tăng.

Mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp (FDI, doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước) có thể dao động trong khoảng 13.300 – 20.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 6,4 – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp), gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Đặc biệt, các doanh nghiệp đa quốc gia trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Những doanh nghiệp có trụ sở đặt ở những vùng có ưu đãi rất lớn về thuế là những doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược. Ảnh minh họa

Theo TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cách thức chuyển giá, trốn và tránh thuế tiêu biểu ở Việt Nam mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…)  hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...)

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế lớn, nhiều doanh nghiệp FDI thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, sau đó áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi.

Một số doanh nghiệp FDI thuộc các ngành như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô–tô, xe máy và xe có động cơ khác luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân qua các năm ở mức rất cao (khoảng trên 30%) và có trụ sở đặt ở những vùng có ưu đãi rất lớn về thuế là những doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược.

Kết quả nghiên cứu cũng dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2017, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng doanh thu cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (14%). Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các doanh nghiệp FDI tăng hơn 19% so với năm 2016. 

Tuy nhiên, có tới gần 10.600 doanh nghiệp FDI (trong tổng số 16.700 công ty) báo lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng. Thậm chí số liệu chỉ ra, hơn 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu là âm (–85.604 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số này có gần 1.600 doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo  TS. Nguyễn Đức Thành, cố vấn trưởng VEPR, đại diện Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam, việc nghiên cứu về vấn đề trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp FDI là rất khó khăn vì số liệu khó có thể quan sát đầy đủ. Ông Thành cho rằng kết quả nghiên cứu công bố này đã đưa ra được bức tranh về hiện trạng trốn và tránh thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời khuyến nghị Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống trốn, tránh thuế hiện đang áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới cùng với việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, tăng mức xử phạt, và nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ thuế. 

Các chuyên gia của VEPR cũng khuyến nghị cần sửa đổi, thay thế Nghị định 20 về quản lý thuế nên được thay thế bằng một Nghị định khác theo tinh thần của Luật Quản lý Thuế 2019. Đồng thời cần triển khai nghiên cứu thực hiện các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi thông tin, yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia có báo cáo theo từng quốc gia - CbC report, quy định thuế đối với các hoạt động dựa trên nền tảng số,….Đồng thời, bổ sung các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế, và phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN.

Minh Hoàng