Tác động và giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của ngân hàng thương mại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:30, 02/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sức khỏe của các NHTM phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung, vậy nên khi các DN và nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì các NHTM cũng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất; đặc biệt, khi mà hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu hoạt động của các NHTM. Các NHTM cần phải phân tích, đánh giá được những thách thức và cơ hội để có các giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu nhất rủi ro trong đại dịch này.

Bước sang năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến sự bùng phát khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của con người, doanh nghiệp (DN) cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM).

Dịch bệnh đã gây ra những hậu quả khôn lường: Hàng trăm ngàn người chết, nhiều nước đóng cửa, sản xuất đình đốn, Chính phủ các nước phải tung ra các gói cứu trợ cho y tế, hỗ trợ DN và người dân trong cơn nguy nan...

Nhiều ngân hàng như Scotiabank, Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC), Royal Bank of Canada (RBC),... đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn. Theo đó hàng loạt thị trường chứng khoán "đỏ lửa", còn ngân hàng trung ương (NHTW) các nước hối hả tung biện pháp giải cứu nền kinh tế, nên không khó để các nhà quản lý và chuyên gia liên tưởng đến một cuộc khủng hoảng mới.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tháng 3/2020, các chuyên gia cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2,5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới. Dịch bệnh khiến giá dầu lao dốc, nợ công tăng dần, các DN không thể trụ vào thời điểm không kiếm ra khách hàng hoặc thiếu nguyên liệu.

Tác động tiêu cực với kinh tế Việt Nam

Với quy mô kinh tế nhỏ và có độ mở cao, một biến động, cú sốc đó nào bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đó là:

Một là, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng lớn (khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp) khiến nền kinh tế dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Mặt khác, các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ. Ở Việt Nam để xuất khẩu thì DN phải nhập khẩu, bởi vậy khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các DN chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn là xuất khẩu sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa.

Hai là, cơ cấu kinh tế hiện tại của Việt Nam cũng khiến cho tác động của Covid-19 mạnh hơn. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tương đối cao, đây lại là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

Ba là, có khoảng 90% DN là vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình. Khu vực này dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc và không thể đứng vững được lâu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Như vậy, không trực tiếp thì gián tiếp, hầu hết các ngành, lĩnh vực và DN của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra.

Tác động tiêu cực của Covid-19 còn được phản ánh rõ nét trong số liệu thống kê quý 1. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82%, mức thấp nhất 4 năm qua, sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (2017 là 5,1%, 2018 là 7,38%, 2019 là 6,79%). Các chuyên gia dự báo khả năng GDP của Việt Nam sẽ sụt giảm trong khoảng từ 0,5% - 1% trong năm 2020. Nếu tình hình tích cực, tức là Covid-19 được kiểm soát sớm hơn, "công suất" hoạt động của các nhà máy sản xuất và chế biến sẽ ở mức cao hơn bình thường sau khi bị "nén" trong thời gian dịch để bù đắp cho những tổn thất trước đó, thì mức giảm của GDP có thể thấp hơn 0,5%.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến các NHTM Việt Nam

Sức khỏe của các NHTM phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung, vậy nên khi các DN và nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì các NHTM cũng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Đặc biệt, khi mà doanh thu hoạt động của các NHTM chủ yếu vẫn từ hoạt động tín dụng. Đó là:

Trước hết, tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng rõ rệt khi nhu cầu vay vốn của nhiều nhóm DN sụt giảm. Nhu cầu vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe,... cũng được dự báo sẽ giảm mạnh do nguồn thu nhập của nhiều người dân không ổn định, bị sụt giảm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang phải dồn lực đánh giá, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa là hỗ trợ cho khách hàng vừa là tránh bùng phát nợ xấu. 

Thứ đến, chất lượng tài sản của các NHTM sẽ gặp rủi ro nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, đối với các DN, dù doanh thu sụt giảm mạnh nhưng vẫn phải duy trì chi phí lương, thuê mặt bằng, đặc biệt là thanh toán cho các khoản vay ngân hàng. Giới chuyên gia đánh giá dịch bệnh có thể làm gia tăng nợ xấu do nhiều DN có thể chậm thanh toán.

Kết quả là lợi nhuận kinh doanh của các NHTM bị ảnh hưởng lớn do tín dụng sụt giảm sẽ làm giảm doanh thu hoạt động - nguồn thu chủ yếu  của các NHTM. Đồng thời NIM giảm thấp do chi phí đầu vào tăng và chi phí đầu ra giảm để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Kết quả này còn chưa tính đến nếu nợ xấu gia tăng thì các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro.

Bức tranh mới về hoạt động kinh doanh của các NHTM trong đại dịch Covid-19

Tín dụng giảm mạnh

Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng đến nay đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, trong đó: Ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng là nhóm có nhiều dư nợ bị ảnh hưởng nhất với 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ; Nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ, trong đó ngành chế biến thực phẩm, đồ uống bị ảnh hưởng nhiều nhất; Nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ có 169.000 dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 2% tổng dư nợ; Nhóm nông lâm nghiệp và thủy sản có số dư nợ bị ảnh hưởng là 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9%; Nhóm kinh doanh bất động sản có 145.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,75%; Nhóm vận tải có 139.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,68%; Nhóm các dự án BOT, BT có 110.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1,35% tổng dư nợ,...

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1,3%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, dù ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ DN. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đánh giá về khả năng nợ xấu phát sinh do Covid-19 vì vẫn chưa có số liệu thông tin cụ thể về “sức chịu đựng” của các DN có vay nợ hiện tại. Các biện pháp NHNN hỗ trợ như gói tín dụng, giãn thời gian trả nợ, cấu trúc lại nhóm nợ cho các DN ảnh hưởng sẽ làm giảm một phần nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19.

Cơ hội của các NHTM

Theo kịch bản về tác động của dịch Covid-19 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, NHNN dự tính: nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối quý II/2020 mới chấm dứt thì tỉ lệ nợ xấu sẽ gần 4% vào cuối năm 2020. Dịch bệnh có thể sẽ qua đi trong tháng tới (tính đến ngày 30/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca mới nào, là ngày thứ 14 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng), nhưng để xử lý nợ xấu phát sinh do dịch bệnh là một quá trình dài, khó khăn.

Khó khăn của dịch bệnh sẽ giúp NHTM nhận ra điểm yếu của chính mình. Các yếu tố bên ngoài luôn bất định, khó lường, nếu ngân hàng không có khả năng tự chủ thì sẽ phải luôn chống đỡ, không chủ động được. Do vậy, dịch bệnh Covid-19 lại là cơ hội để các NHTM  thấy được các điểm yếu của mình.

Đó chính là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các NHTM. Đây là lúc nhìn lại các cơ cấu hoạt động của từng NHTM như: cơ cấu doanh thu, cơ cấu chi phí, cơ cấu khách hàng, cơ cấu nhân sự, danh mục đầu tư...xem cơ cấu này chưa hợp lý ở những điểm nào? Nguyên nhân của những tồn tại? Sau đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng bộ phận. Làm sao phải xây dựng được một NHTM hoạt động tự chủ, đa dạng hóa hoạt động, ít phụ thuộc hơn vào hoạt động tín dụng, có khả năng phòng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.

 Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các NHTM nhìn lại và hoàn thiện các kịch bản phòng chống rủi ro, trong đó có cả rủi ro từ đại dịch.

Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng công nghệ, thói quen dùng tiền mặt của người dân, DN. Đó là cơ hội để NHTM triển khai và đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng điện tử, các dịch vụ không dùng tiền mặt…giúp các NHTM tăng tỷ trọng hoạt động phi tín dụng.

Giải pháp ứng phó và khắc phục

Trước tình hình khó khăn, để hỗ trợ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD và DN khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chính phủ và NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng với 4 việc chính: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Miễn giảm lãi vay; Giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ

Hiện tại, nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank, SHB, Eximbank, Nam A Bank... đã triển khai các gói tín dụng có quy mô hàng chục nghìn đến hàng trăm tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1-3%, nhằm hỗ trợ các khách hàng cá nhân, DN vượt qua khó khăn. 44/45 NHTM thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, chiếm 99,7% thị phần đã miễn giảm phí; nhiều loại phí được giảm 75%-100% mức phí cũ …

Bên cạnh việc hỗ trợ về tín dụng cho DN, các NHTM nên tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong ngắn hạn và linh hoạt về thời điểm hoàn trả lãi suất và gốc đối với các khoản vay cũ và mới của DN, bởi vì dòng tiền thu của DN sẽ có thể bị lệch pha với các dòng tiền ra, trong đó có dòng tiền trả nợ. Để làm tốt việc này, đòi hỏi các NHTM phải thực hiện rà soát, đánh giá lại từng khách hàng.

Các NHTM cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới như: Phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là DN trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch Covid-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, máy thở.

Các NHTM cần có các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu tác động của Covid-19 như: tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho DN nhỏ và vừa đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thi trường thông qua kênh phân phối trong nước. Các DN có thể đăng ký hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc trong khi theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do Covid-19.

NHTM cần chuẩn bị gì cho hậu Covid-19

Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế có đặc trưng là nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng tồn tại âm ỉ lâu dài, đến thời điểm bung ra và không thể "đỡ" được nữa nên tạo ra khủng hoảng. Với Covid-19, dù nền kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, song năng lực sản xuất và chế biến của các DN đang vận hành, các nguồn cung cấp đầu vào, các cơ hội và triển vọng cũng không phải thiếu.

Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn; đối với nông lâm hải sản bị ảnh hưởng bởi gián đoạn xuất khẩu; đối với các DN sản xuất khác thì vận hành có thể bị tạm dừng. Nếu Covid-19 được kiểm soát, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành sẽ được "bung ra" sau khi bị "nén" lại.

Do vậy, các NHTM cần thực hiện:

- Chuẩn bị kịch bản để tăng trưởng tín dụng trở lại: Lựa chọn khách hàng, ngành hàng nào để tập trung phát triển, đa dạng hóa danh mục đầu tư....Đồng thời xây dựng các giải pháp để thu hồi, xử lý nợ xấu nếu xảy ra.

- Tính toán chi phí đầu vào để cho vay khách hàng với lãi suất rẻ mà vẫn đảm bảo hoạt động ngân hàng có hiệu quả... Đặc biệt là, các NHTM cần phải rà soát, cắt giảm các khoản chi phí không hiệu quả, tăng năng suất lao động,... để giảm chi phí đầu vào.

- Các NHTM cần phải có chiến lược, mục tiêu cụ thể để thực hiện tái cơ cấu hoạt động của mình như: cơ cấu doanh thu, cơ cấu chi phí, cơ cấu khách hàng, cơ cấu nhân sự, danh mục đầu tư... xây dựng được một NHTM hoạt động tự chủ, đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, ít phụ thuộc hơn vào hoạt động tín dụng, có khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.

- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động Ngân hàng thương mại điện tử, theo đuổi và đón bắt được vơi xu thế công nghệ của thế giới.

- Xây dựng các kịch bản phòng chống rủi ro, trong đó có cả những kịch bản phòng chống rủi ro các đại dịch như Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong hoàn cảnh này, các NHTM cần phải phân tích, đánh giá được những thách thức và cơ hội để có những giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu nhất những rủi ro trong đại dịch này./.

 

TS. Đỗ Thị Thủy