Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đối với triển vọng lợi nhuận ngành Ngân hàng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:16, 05/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM)… được dự báo giảm, sẽ kéo giảm lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong năm 2020. Tình hình chỉ có thể khả quan hơn vào năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

Sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Sự gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng. Tính đến tháng 4/2020, các ngân hàng tại Việt Nam đã báo cáo rằng có tới 2 triệu tỷ đồng dư nợ (23% tổng tín dụng của hệ thống) bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và cần cơ cấu lại hoặc miễn giảm lãi vay.

Năm 2020: Tăng trưởng tín dụng ước tính giảm còn 11%

Trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng cung cấp gói tín dụng trị giá 250 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay giảm 50-150 điểm cơ bản, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi dịch bệnh lây lan rộng hơn, dẫn tới việc ban hành lệnh giãn cách xã hội, gói tín dụng hỗ trợ đã được tăng lên 300 nghìn tỷ đồng vào ngày 9/4/2020.

Đánh giá trong “Báo cáo Ngành Ngân hàng - Khó khăn đã phản ánh vào giá cổ phiếu”, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, gói tín dụng đã có một số hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế, với tín dụng tăng trưởng trở lại vào tháng 3/2020, sau hai tháng đầu năm gần như không tăng.

Cụ thể, tính đến cuối quý I/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 1,3%. Mức tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm qua. Mặc dù vậy, đây là một sự cải thiện lớn từ mức tăng 0,06% vào cuối tháng 2/2020. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc.

Theo kịch bản cơ sở, các chuyên gia của VNDIRECT hy vọng dịch Covid-19 sẽ dần được kiểm soát trong quý II/2020, do đó tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng trở lại trong quý III&IV/2020. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 5%, tỷ lệ tín dụng/GDP dự báo sẽ tăng từ 110% trong năm 2019 lên tới 116% trong năm 2020”, các chuyên gia từ VNDIRECT nhấn mạnh.

Có hai cơ sở cho dự báo trên được đưa ra, gồm: lãi suất điều hành và trần lãi suất thấp hơn giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến những nhu cầu tín dụng mới, phần nào hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.

NIM chịu áp lực giảm

“Chúng tôi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ NIM do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn”, các chuyên gia của VNDIRECT dự báo. Theo đó, lợi suất tài sản giảm bởi hai lý do: ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp; việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập từ hoạt động này.

Để hỗ trợ nền kinh tế, ngày 16/3, chính phủ đã hạ lãi suất điều hành từ 50 - 100 điểm cơ bản và giảm trần lãi suất huy động từ 25 - 30 điểm cơ bản đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Do đó, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 30 - 40 điểm cơ bản cho tiền gửi dưới 6 tháng và giảm 20 - 30 điểm cơ bản đối với tiền gửi trên 6 tháng. Nhưng do ngân hàng cần duy trì nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung/dài hạn nên lãi suất huy động được dự báo sẽ khó giảm sâu.

Đối với lãi suất cho vay. Dù các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức độ giảm lãi suất khác nhau giữa mỗi khách hàng. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trung bình 1% cho các khách hàng bị ảnh hưởng nhưng sẽ dần tăng trở lại sau khi dịch bệnh qua đi. “Chúng tôi dự báo dịch bệnh sẽ kết thúc vào giữa năm 2020. Do đó lãi suất cho vay kỳ vọng giảm 50 điểm cơ bản trong năm 2020”, các chuyên gia của VNDIRECT dự báo.

Do mức độ điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, NIM được dự báo sẽ đi xuống trong năm 2020. Bên cạnh đó, việc miễn giảm lãi vay sẽ tạo thêm áp lực cho NIM. Việc thoái thu thu nhập lãi có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 do hiện nay ngân hàng được phép giãn nợ tới tối đa 12 tháng, vì thế sẽ có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu.

Sau đại dịch, VNDIRECT kỳ vọng Vietcombank, ACB và MB sẽ cải thiện NIM nhờ vào khả năng chuyển hướng sang cho vay cho các phân khúc có lợi suất cao hơn (Vietcombank, MB) hoặc cải thiện tỷ lệ CASA (ACB).

 

Lợi nhuận sau thuế sẽ được cải thiện trong năm 2021

Đối mặt với Covid-19, chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp với mục tiêu chung là hỗ trợ nền kinh tế. Gần đây, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, lương thưởng và không trả cổ tức tiền mặt. Những yêu cầu này nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận giữ lại để bảo đảm thanh khoản và an toàn vốn, đồng thời tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Giá cổ phiếu của các ngân hàng được VNDIRECT theo dõi (Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank…) đã giảm trung bình khoảng 18,4% kể từ cuối năm 2019. “Tất cả các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi hiện đang giao dịch với mức P/B và P/E dự phóng năm 2020 khá thấp, dưới mức P/B và P/E trung bình 5 năm”, VNDIRECT nhấn mạnh.

Với kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng sự hồi phục thu nhập sau dịch bệnh và nguồn dự phòng hiện nay có thể giúp các ngân hàng cải thiện tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2021 sẽ tăng so với năm 2020, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng. Dự báo: Viecombank, ACB và MB sẽ phục hồi với tốc độ nhanh hơn, trong khi Techcombank và VPBank phục hồi chậm hơn do khẩu vị rủi ro cao dẫn tới nợ xấu cao hơn.

Ngô Hải