Cần sự chung tay của các nhà mạng và các tổ chức thẻ quốc tế
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:55, 05/05/2020
Vietcombank tiên phong miễn, giảm phí cho khách hàng |
Nhiều ngân hàng đã có những đầu tư lớn cho công nghệ, gia tăng các sản phẩm dịch vụ mang hàm lượng tri thức và công nghệ cao nhằm triển khai chiến lược ngân hàng số để tăng thu nhập từ phí dịch vụ, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm phí để chia sẻ với khách hàng.
Tiên phong giảm phí cho nhiều đối tượng khách hàng
Từ đầu năm đến nay, Vietcombank được ghi nhận là một trong những ngân hàng tiên phong và chủ động nhất trong việc triển khai các kế hoạch để hỗ trợ khách hàng trên các phương diện từ gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi đến giảm phí.
Đối với lĩnh vực ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ, Vietcombank đã triển khai các biện pháp giảm phí cùng các hình thức hỗ trợ khác nhằm chia sẻ với khách hàng và hỗ trợ khách hàng phòng, chống tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như: Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống Covid-19 và xâm nhập mặn; Giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng (LNH) với giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống, áp dụng từ ngày 25/2/2020 cho khách hàng cá nhân thực hiện chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua tài khoản và qua thẻ.
Vietcombank cũng thực hiện giảm phí chuyển tiền LNH đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng, áp dụng từ 23h ngày 25/3/2020 cho khách hàng cá nhân thực hiện chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua tài khoản và qua thẻ; giảm phí chuyển tiền LNH cho cả khách hàng cá nhân (thực hiện chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống thanh toán điện tử LNH_IBPS) và tổ chức (thực hiện chuyển tiền đi khác hệ thống) từ ngày 1/4/2020.
Ngoài ra, ngân hàng còn giảm phí thanh toán Ecom thẻ nội địa cho 3 hãng hàng không và đường sắt Việt Nam, áp dụng từ ngày 10/4 - 31/12/2020. Đồng thời, ngân hàng thực hiện chính sách gửi thẻ tín dụng trực tiếp cho khách hàng tại các địa chỉ trên lãnh thổ Việt Nam và kích hoạt thẻ qua các kênh ngân hàng điện tử, áp dụng từ ngày 20/4/2020.
Tiếng nói của người trong cuộc
Thực tế cho thấy, để triển khai dịch vụ, ngoài chi phí đổi mới và đầu tư nâng cấp dành cho công nghệ, các ngân hàng vẫn đang phải chi trả các khoản chi phí cho đối tác hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách hàng như: phí chuyển tiền trả trung gian thanh toán đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng; phí tin nhắn phát sinh trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng trả cho nhà mạng/công ty cung cấp dịch vụ đầu số: tin nhắn biến động số dư tài khoản, chi tiêu thẻ, xác thực giao dịch, tin nhắn thông báo lịch trả tiền vay/sao kê thẻ… Ngoài ra, còn các chi phí để duy trì vận hành hệ thống của ngân hàng.
Trước những tác động của đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm và mở rộng đối tượng giảm phí dịch vụ, để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, chỉ có một số ít đối tác có chính sách cùng chia sẻ với ngân hàng thông qua việc giảm phí, còn phần lớn các đối tác khác giữ nguyên chính sách phí hoặc thậm chí có xu hướng tăng phí như: chi phí tin nhắn SMS.
Theo thống kê, phí nhà mạng viễn thông áp dụng đối với các tin nhắn SMS của ngân hàng đang cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Trong khi đó, tin nhắn SMS vẫn là một trong các cấu phần quan trọng để ngân hàng triển khai các hoạt động thanh toán điện tử nói chung và thanh toán thẻ nói riêng.
“Giai đoạn 2020-2021 là thời điểm Vietcombank và các ngân hàng đang phải dồn lực để thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ thẻ công nghệ từ sang thẻ công nghệ chip, nên ngoài chi phí như hiện nay thì các ngân hàng sẽ phải tăng thêm gánh nặng chi phí để thực hiện kế hoạch này”, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Vân, đối với mảng dịch vụ thẻ, các ngân hàng đều phải đầu tư rất nhiều, với chi phí rất lớn cho các hạng mục hạ tầng hệ thống xử lý giao dịch thẻ, hệ thống máy ATM/máy thanh toán thẻ (EDC), bảo trì bảo dưỡng hệ thống ATM/EDC… đặc biệt trong giai đoạn hiện nay các ngân hàng còn phải đầu tư thêm chi phí nâng cấp hệ thống ATM/EDC/Hệ thống xử lý/hệ thống bảo mật nhiều lớp để tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan quản lý về đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho giao dịch thanh toán thẻ cũng như để phù hợp với xu thế thanh toán mới, công nghệ cao.
Bên cạnh các chi phí trên, kế hoạch chuyển đổi thẻ theo chuẩn VCCS theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho toàn bộ thị trường cũng khiến Vietcombank và các ngân hàng tại Việt Nam phải bỏ ra chi phí rất lớn để mua về phôi thẻ chip, nâng cấp hệ thống và chi phí thực hiện chuyển đổi cho khách hàng. “Với mục tiêu đem đến sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, an toàn, tiện lợi, đáp ứng như cầu cao của khách hàng, chúng tôi hiện vẫn đang hỗ trợ chuyển đổi miễn phí cho khách hàng”, bà Nguyễn Hồng Vân nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, chi phí trả cho các bên tham gia vào hoạt động thanh toán thẻ cũng khá lớn cụ thể: trong chuỗi cung cấp dịch vụ thẻ, ngân hàng chỉ là một bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Theo bà Nguyễn Hồng Vân, ngân hàng phải chi trả chi phí xử lý giao dịch, phí bản quyền cho các Tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT), công ty chuyển mạch quốc gia VN (NAPAS), đối tác viễn thông (đường truyền, tin nhắn) và các đối tác khác (thuê mặt bằng đặt ATM…).
Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các đối tác của ngân hàng giảm phí
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã có công văn: đề nghị các Tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT) có chính sách hỗ trợ các ngân hàng về phí (như giảm phí xử lý giao dịch, phí interchange…); đề nghị các nhà mạng viễn thông giảm phí SMS để hỗ trợ ngân hàng đối phó với tác động từ dịch Covid- 19.
Các ngân hàng đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các hội viên. Thực tế các ngân hàng đang duy trì, sử dụng tin nhắn SMS là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn và sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng ngân hàng trực tuyến, thanh toán thẻ.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các ngân hàng cũng rất cần sự chung tay chia sẻ từ nhà mạng thông qua giảm phí tin nhắn SMS. Điều này không chỉ giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho các ngân hàng, mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng của hai bên.
Thời gian qua, Công ty Napas – một đối tác trong chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán - đã giảm phí và các ngân hàng cũng đã chia sẻ giảm phí tới người dân. Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng mong chờ những đối tác khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán như TCTQT, nhà mạng… có hành động tương tự. Trái bóng giảm phí đang nằm trong chân của họ.
Ngày 19/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao... trong đó có tài chính, ngân hàng... Đề án đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,6 - 7,1%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 41,5-42% vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025. Về tài chính - ngân hàng, đến năm 2025 tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại 16-17%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%; ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á. Trong giai đoạn 2015-2020, nhiều ngân hàng đã có những đầu tư lớn cho công nghệ, gia tăng các sản phẩm dịch vụ mang hàm lượng tri thức và công nghệ cao nhằm triển khai chiến lược ngân hàng số để tăng thu nhập từ phí dịch vụ, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. |