Covid-19 là "phép thử" doanh nghiệp bất động sản

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 15:43, 06/05/2020

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Dịch Covid-19 là một "phép thử" đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, năng lực quản trị khủng hoảng đối với các doanh nghiệp bất động sản để giúp cân đối tiềm lực của bản thân chính doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn bởi dịch Covid-19. Công văn đề xuất “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản của VNREA tập trung vào việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất, về bản chất phản ánh những cái khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian gần đây, khi phải trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế: từ những khó khăn pháp lý vẫn đang tồn tại, và đến nay là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, nghị định mới này của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp bất động sản đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, còn với các dự án đang chờ hoàn thiện giấy tờ pháp lý thì việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực. 

Ở một khía cạnh khác, ông Khương đánh giá việc đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý. “Theo tôi nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá các kiến nghị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng hi vọng Chính phủ sẽ xem xét giải quyết triệt để vấn đề pháp lý, thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn”, ông Khương chia sẻ.

Dịch Covid-19 là một ‘phép thử’ đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, năng lực quản trị khủng hoảng của các doanh nghiệp bất động sản

Tại Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là "xương sống" của nền kinh tế, là nguồn lực chính đóng góp cho ngân sách nhà nước, chính vì vậy có thể coi các doanh nghiệp này nên được hưởng sự hỗ trợ lớn và thiết thực từ Chính phủ, về cơ chế, về định hướng, về chiến lược ngành nghề. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, nhóm các doanh nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển chung của thế giới.Ông Khương cho biết thêm, nhìn từ bình diện quốc tế và vĩ mô, rất nhiều Chính phủ trên thế giới đã và đang thực hiện các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì và phát triển kinh doanh, đặc biệt về mặt thuế, hỗ trợ cấp tín dụng, giãn và giảm tiền gốc... Bởi lẽ, khi doanh nghiệp hoạt động tốt, thì bộ máy kinh tế chung của cả đất nước mới có thể làm việc trơn tru. 

Theo ông Khương, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang kiểm soát dịch rất tốt và hiệu quả, trong vòng 19 ngày liên tiếp chúng ta không có ca nhiễm mới, không có các ca nhiễm do lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động kinh doanh chưa thực sự trở lại bình thường, đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể trở lại guồng quay của cuộc sống trước đây, mà tạm thời vẫn đang trong tình trạng "sống chung với dịch". 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn phải phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của cả thế giới, với nhiều hạn chế trong việc hoạt động trở lại các đường bay quốc tế vào Việt Nam, xuất nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm, hay các thương vụ đầu tư nước ngoài... 

Ông Khương cho rằng, đối với các doanh nghiệp bất động sản, thời gian này cũng là một "phép thử" đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, năng lực quản trị khủng hoảng để giúp cân đối tiềm lực của bản thân chính doanh nghiệp. Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do vậy mà khi thị trường gặp các biến cố lớn, họ sẽ phải chịu những tổn thất về tài chính một cách tiêu cực. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc tới việc cắt lỗ khi không có đủ năng lực tài chính, nhằm tránh hoặc giảm thiểu các nguy cơ về phá sản. 

“Đối với những nhà đầu tư cá nhân trong thời điểm này cần cân nhắc yếu tố vốn, vì liên quan đến công việc, đến việc giảm lương nhân viên… kéo theo việc hạn chế, sụt giảm chi tiêu và nhu cầu mua sắm bất động sản. Còn đối với những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, đây hoàn toàn có thể là một cơ hộ cho họ”, ông Khương phân tích thêm.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cân nhắc tới những kế hoạch dài hơi hơn, sau khi cơn dịch qua đi, sức khỏe của nền kinh tế cũng như của toàn thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục. “Bài toán về lợi nhuận, đi kèm với thời gian, và kỳ vọng của nhà đầu tư, cần được tính toán chi tiết và cẩn thận trong thời gian này”, ông Khương nói.

Theo ông Khương, sức mua của thị trường bất động sản trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam kỳ vọng tới cuối năm nay, khi mà đại dịch Covid-19 đã được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định, sau đó sẽ dần phát triển và sẽ có những tín hiệu khả quan vào đầu hoặc giữa năm 2021.

Minh Hoàng