VNDIRECT: Nợ xấu là vấn đề đáng lo ngại nhất
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 20:44, 07/05/2020
Với các ngân hàng được công ty theo dõi như: Vietcombank, ACB và MB, có chất lượng tài sản tốt và nguồn dự phòng cao. Những ngân hàng này luôn nằm trong top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và tỷ lệ dự phòng/nợ xấu cao nhất. Do đó, các ngân hàng này có vị thế tốt để xử lý khi nợ xấu tăng.
Qua phân tích, VNDIRECT cho biết, tốc độ hình thành nợ xấu phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm:
Thứ nhất, cơ cấu cho vay giữa phân khúc doanh nghiệp và cá nhân: các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ có tập khách hàng đa dạng hơn sẽ có ít rủi ro tín dụng hơn các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp, nhờ rủi ro tập trung thấp hơn.
Thứ hai, khẩu vị rủi ro của ngân hàng: nợ xấu của ngân hàng có dư nợ lớn đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, cho vay tín chấp được dự báo sẽ tăng nhanh hơn các ngân hàng khác.
Thứ ba, mức độ rủi ro tập trung: việc phụ thuộc nhiều vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn tạo ra rủi ro thất thoát vốn.
“Với những lý do trên, chúng tôi nhận thấy 3 ngân hàng Vietcombank, ACB và MB sẽ xử lý nợ xấu tốt hơn các ngân hàng khác mà chúng tôi đang theo dõi. Ngược lại, VPBank và Techcombank được dự báo sẽ có tốc độ tăng nợ xấu nhanh hơn do những ngân hàng này có dư nợ lớn cho vay tín chấp và bất động sản”, VNDIRECT nhận định.
Đối với MB, dù cũng tích cực mở rộng mảng tín dụng tiêu dùng nhưng dư nợ trong mảng này vẫn còn thấp, nên VNDIRECT dự báo nợ xấu tăng nhưng điều này có thể sẽ không thể hiện trong báo cáo tài chính quý 1&2/2020, do ngân hàng có thể giãn nợ mà không thay đổi nhóm nợ tới tối đa 12 tháng kể từ ngày đến hạn. Trên cơ sở đó, VNDIRECT dự báo nợ xấu của MB sẽ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021.
Dịch Covid-19 có nguy cơ khiến nợ xấu tăng nhanh trong mảng tín dụng tiêu dùng. Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản cho vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, trong khi phân khúc này có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Dịch bệnh đã khiến các công ty nhỏ, các hộ kinh doanh phải tạm thời đóng cửa, hoặc thu hẹp quy mô, dẫn tới việc cắt giảm lương và tăng số lượng người mất việc.
Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng trong lĩnh vực này sẽ không mở rộng tới toàn bộ ngành Ngân hàng do tỷ lệ thâm nhập của ngành trong lĩnh vực này còn thấp và hiện nay chỉ có 4 ngân hàng tích cực tham gia mảng tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp để giúp đỡ người thu nhập thấp, bao gồm một gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người lao động bị mất việc… Các chuyên gia của công ty dự báo, nợ xấu sẽ tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nhưng sẽ không hình thành rủi ro cho toàn ngành, tuy nhiên nó sẽ có ảnh hưởng tới các ngân hàng có dư nợ lớn trong lĩnh vực này.
“Sau khi dịch bệnh qua đi, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và NIM có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh gọn nếu ngân hàng thận trọng trong cho vay, xếp hạng nợ và dự phòng”, VNDIRECT cảnh báo.