Lạc quan với triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:32, 11/05/2020
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ đầu năm đến ngày 20/4, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 12,5 tỷ USD. Trong số này, có gần 2,5 tỷ USD là giá trị góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam, giảm 65,3% so với cùng kỳ 2019.
Tổng cộng có có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này. Trong đó, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 584 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 0,9 tỷ USD và 2.626 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,6 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán, số liệu cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm, khối ngoại mua vào 46.290 tỷ đồng, nhưng bán ra 62.480 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), như vậy khối ngoại bán ròng 17.990 tỷ đồng. Tổng hợp từ các số liệu, có thể thấy, dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào nhỏ hơn dòng vốn rút ra khỏi doanh nghiệp.
Trong bản tin tổng hợp kinh tế - tài chính tuần 4-8/5 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố cho biết, các chuyên gia đều nhận định, việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn là xu hướng chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh đại dịch gây nên nỗi lo sợ trên toàn cầu.
Số liệu của Institute of International Finance (IIF, tổ chức cung cấp số liệu về dòng vốn quốc tế) cho thấy, một dòng vốn rút ra kỷ lục ở các thị trường mới nổi trong quý I, lớn hơn thời điểm tệ nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 và họ dự đoán tình hình này sẽ tiếp tục trong các quý còn lại của năm 2020. Chỉ riêng trong tháng 3/2020, có hơn 80 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi.
Đầu tháng 4/2020, IIF dự đoán, dòng vốn vào thị trường mới nổi năm 2020 sẽ chỉ chưa bằng một nửa của năm 2019. Sau khi loại trừ thị trường Trung Quốc, dòng vốn vào các thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm chỉ còn khoảng 300 tỷ USD, trong đó hơn 290 tỷ USD là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn vay nợ qua phát hành trái phiếu quốc tế cũng được cho là vẫn dương, dù giảm đáng kể so với năm trước.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường cổ phiếu được dự kiến sẽ âm, với mức rút vốn ròng khoảng 40 tỷ USD. Tuy cũng bị rút vốn ròng ra khỏi thị trường như các nước mới nổi, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng tiếp tục hút vốn đầu tư nước ngoài từ nửa sau 2020.
Tờ Economist vừa công bố một đánh giá về nợ của các thị trường mới nổi, cho thấy Việt Nam xếp hạng 12/66 thị trường mới nổi về độ vững mạnh tài chính (ở Đông Nam Á chỉ xếp sau Thái Lan và Philippines, xếp trên Indonesia và Malaysia), điểm nhấn rất quan trọng để chứng tỏ Việt Nam là môi trường đầu tư tương đối an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế, ở cả đầu tư trực tiếp FDI lẫn gián tiếp FII.
“Vấn đề đặt ra ở đây năng lực hấp thu của thị trường Việt Nam, liệu thị trường có đón nhận được dòng vốn với công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạ tầng cơ sở của Việt Nam có đủ năng lực khi nguy cơ thiếu điện ngày càng tăng, chi phí vận tải, kho bãi vẫn ở mức cao; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thế nào là phù hợp….”, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam nhận định. “Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nắm bắt diễn biến của dòng vốn ngoại và có một chính sách thu hút vốn phù hợp cần được định hướng bởi một chiến lược sáng suốt và có tầm nhìn dài hạn”.