Chiến lược, con người, chất lượng, công nghệ, công tác Đảng - Chính trị làm nên thương hiệu MB
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:02, 14/05/2020
Phóng viên: Là người gắn bó với MB ngay từ những ngày đầu ngân hàng mới thành lập và giữ nhiều vị trí quan trọng tại MB, theo ông yếu tố gì đã làm nên thương hiệu MB - như một ngân hàng hoạt động ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, tạo nên sự tin tưởng của các khách hàng như hiện nay?
TS. Thiếu tướng Lê Công, nguyên Tổng Giám đốc NHTMCP Quân đội (MB) |
Ông Lê Công: NHTMCP Quân đội được thành lập ngày 4/11/1994, qua hơn 25 năm hình thành và phát triển luôn được đánh giá là ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, luôn được khách hàng tin tưởng.
Mang tên “Quân Đội”, ngân hàng đã thể hiện rõ lịch sử hình thành và trách nhiệm lớn lao của tổ chức, trong đó trách nhiệm rất quan trọng là giữ gìn uy tín của QĐND Việt Nam .
Trong thực tiễn hoạt động, MB đã nỗ lực thực hiện. Có thể tóm tắt các yếu tố nền tảng làm nên thương hiệu MB qua năm chữ “ C” đó là: chiến lược, con người, chất lượng, công nghệ, công tác đảng - công tác chính trị.
Về chiến lược, MB đã triển khai qua các giai đoạn khác nhau, không ngừng củng cố nền tảng với triết lý “xây nhà từ móng, vững từ gốc” . Hiện tại MB tập trung xây dựng mô hình NGÂN HÀNG THUẬN TIỆN với hai nền tảng là quản trị rủi ro vượt trội và văn hóa thực thi nhanh, hướng tới khách hàng .
Nhận thức con người là yếu tố quyết định, bởi vậy MB luôn coi trọng bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực. Thực thi chính sách quản trị nhân tài, quản trị thành tích, qui hoạch đội ngũ cán bộ top 50, top 100 gắn với các giá trị cốt lõi mà tiêu biểu là sự đoàn kết, kỷ luật, tận tâm, trách nhiệm .
MB coi chất lượng là mục tiêu hàng đầu trong kinh doanh, luôn lấy an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững làm phương châm hành động. MB đã vận dụng mô hình quản trị tiên tiến, quản lý tập trung, xác lập chuỗi kinh doanh dây truyền theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao. Đặc biệt, MB đã xây dựng một số năng lực cốt lõi tạo sự khác biệt, tăng khả năng cạnh tranh từng phân khúc khách hàng.
Công nghệ được MB đầu tư và ứng dụng phục vụ quản trị điều hành và kinh doanh theo hướng ngân hàng số và là một trong bốn chuyển dịch chủ chốt trong chiến lược hiên nay.
Sinh ra từ quân đội, ngay từ khi thành lập, MB luôn coi trọng xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng, xây dựng môi trường chính trị ổn định, gắn kết con người với tổ chức vì mục tiêu MB vững mạnh toàn diện. Đến nay, MB đã có tổ chức Đảng lớn mạnh trực thuộc Quân ủy trung ương (Bộ Quốc phòng).
Năm chữ “ C “ gắn với năm yếu tố nền tảng đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng con đường phát triển của MB.
Phóng viên: Kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất của ông trong thời gian làm việc tại MB, thưa ông?
Ông Lê Công: Tôi được Bộ Quốc phòng điều động sang MB từ năm 1995, hơn 24 năm sống và làm việc tại ngân hàng, MB đã trở thành mái nhà thứ 2, chứa đựng nhiều kỷ niệm và cung bậc cảm xúc, ghi nhận một giai đoạn cống hiến trong cuộc đời tôi.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm việc tại MB khi tôi được giao là người đứng đầu trong điều hành hoạt động từ năm 2010 đến 2016. Đây là giai đoạn thực sự khó khăn của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008. Thời điểm này là phép thử rất lớn đối với sự sống còn của các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng đã bộc lộ yếu kém phải xóa sổ hoặc tìm cách hợp nhất với đơn vị khác, nhiều vụ đại án liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng…nhưng MB đã thực thi chiến lược 5 năm thành công, với các chỉ tiêu qui mô, chất lượng, hiệu quả của MB Group hầu hết tăng gấp đôi, tăng trưởng liên tục, bền vững tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu hệ thống NHCP về lợi nhuận, hiệu quả (ROA, ROE, lợi nhuận/người, nợ xấu < 2% ). Với những thành tích đạt được MB liên tục 6 năm liền được cờ thưởng của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2015, MB vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ghi nhận những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tập thể CBNV MB nhiều năm qua.
Phóng viên: Đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng đang có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và những thách thức cách mạng công nghiệp 4.0, từ việc thực thi Hiệp định thương mại thế hệ mới của Việt Nam có hiệu lực… vậy theo ông, các NHTM Việt Nam nói chung, MB nói riêng nên cần khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh kết thúc và hướng tới tương lai?
Ông Lê Công: Đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội song không ít thách thức. Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019 đã nhanh chóng lan rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội và ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đến nay, theo Thủ tướng Chính phủ có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19. Chính phủ đang tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Trước tình hình như vậy, các ngân hàng cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt ứng phó ngay và chuẩn bị kế hoạch sau mùa dịch.
Trước mắt tập trung đánh giá rủi ro liên quan, có biện pháp hỗ trợ khách hàng cùng vượt qua khó khăn, kể cả phải giảm lợi nhuận để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Xác định đây là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số hóa ngân hàng, thực hiện ngân hàng số, phát triển giao dịch qua mobile banking, internet banking .
Là cơ hội đổi mới phương thức vận hành truyền thống, chuẩn hóa qui trình , công nghệ hóa, tự động hóa qui trình hoạt động ngân hàng để tăng tiện ích phục vụ khách hàng, tiết giảm chi phí, tăng kiểm soát rủi ro, tăng năng suất hoạt động ngân hàng.
Là cơ hội đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử, thúc đẩy phát triển dịch vụ, hoạt động phi tín dụng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!