51% ngân hàng ASEAN chưa hoàn thành thậm chí ¼ tiêu chí ESG

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 18:22, 18/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tính bền vững hiện giữ vị trí trung tâm trong mảng ngân hàng doanh nghiệp tại ASEAN.  Tuy nhiên, 51% ngân hàng ASEAN vẫn chưa hoàn thành thậm chí 1/4 tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Có vẻ như sự bền vững đã ngày càng trở thành vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các doanh nghiệp vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi đi vay từ các ngân hàng. Trong một báo cáo, công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch tiết lộ rằng các ngân hàng toàn cầu đã trở nên ngày càng nhạy cảm với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong các quy trình thẩm định cho vay. Năm 2019, nghiên cứu cho thấy các ngân hàng toàn cầu đang từ chối giao dịch với các công ty bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền, lạm dụng lao động trẻ em hoặc có điều kiện làm việc không an toàn.

 Sau thỏa thuận khí hậu Paris 2015, một nhóm các ngân hàng có trụ sở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), chủ yếu ở Úc và Singapore, đã ngừng tài trợ trực tiếp cho các dự án nhà máy nhiệt điện than hoặc mỏ than mới. Đứng đầu trong số đó là Ngân hàng OCBC Singapore, ngân hàng Đông Nam Á đầu tiên tuyên bố sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới.

OCBC cho biết họ nghiên cứu sự phù hợp các yếu tố ESG của các công ty mà họ cho vay trong quy trình đánh giá rủi ro tín dụng và cho vay của họ.

“Rủi ro ESG có thể bao gồm mất đa dạng sinh học, phá rừng, khan hiếm nước và ô nhiễm. Các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm của công ty, liên quan đến khí thải, nước thải và chất thải, dự kiến ​​sẽ được áp dụng theo cách phù hợp với luật pháp và quy định của địa phương, ở mức tối thiểu, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế hiện hành. Trong đánh giá rủi ro của chúng tôi, chúng tôi cũng xem xét các vấn đề xã hội như lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức, bệnh nghề nghiệp, an toàn lao động cũng như bất kỳ sự tái định cư nào của các cộng đồng bị ảnh hưởng”, ông Cameron Mike Ng, người đứng đầu bộ phận tài chính cấu trúc và tài chính bền vững của OCBC nói.

Ngân hàng đã đặt ra mục tiêu đạt 7,02 tỷ USD (10 tỷ SGD) đối với danh mục tài chính bền vững vào năm 2022. Chỉ riêng trong năm 2019, OCBC đã cam kết 3,51 tỷ USD (5 tỷ SGD) cho các giao dịch tài chính bền vững và tham gia  hơn 20 khoản vay xanh và các giao dịch cho vay liên quan đến tính bền vững.

Các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á cũng không bị tụt hậu. Standard Chartered Asia đã cam kết 75 tỷ USD cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), với 35 tỷ USD được phân bổ cụ thể cho lĩnh vực công nghệ sạch và năng lượng tái tạo trong khi 40 tỷ USD còn lại dành cho cơ sở hạ tầng bền vững.

Roshel Mahabeer, người đứng đầu bộ phận tài chính bền vững ở châu Á của StanChart, ghi nhận tính bền vững và sự hợp tác ngày càng tăng của các ngân hàng và chính phủ ASEAN. Ví dụ, các ngân hàng trung ương của Malaysia, Singapore và Thái Lan đã tham gia Mạng lưới xanh hóa  hệ thống tài chính (NGFS) – một mạng lưới của các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát đang tìm cách tích hợp tốt hơn các rủi ro liên quan đến khí hậu vào giám sát ổn định tài chính.

Mặc dù vậy, các ngân hàng APAC và ASEAN vẫn tiếp tục tụt hậu so với các đồng nghiệp châu Âu trong việc tiếp thu các hướng dẫn ESG, một thực tế mà cả Fitch và Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đã lưu ý. Trong số 35 ngân hàng được WWF đánh giá, chỉ có 4 ngân hàng từ Singapore và Thái Lan hoàn thành ít nhất một nửa trong số 70 tiêu chí và 51% ngân hàng hoàn thành chưa đến 1/4 tiêu chí.

“Tuy nhiên, vẫn có tiến bộ khi 74% ngân hàng đã được cải thiện kể từ năm 2018. Đây là những bước có ý nghĩa theo đúng hướng, mặc dù chỉ còn một thập kỷ nữa là đến năm 2030, chúng ta cần xem xét rủi ro môi trường & xã hội (E&S) và tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cả về tốc độ và quy mô”, bà Mahabeer lưu ý thêm.

“Trong vòng 3-5 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn số lượng ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức phát triển chiến lược E&S thông qua các hoạt động đầu tư loại trừ theo quy định hoặc các mô hình chấm điểm ESG phức tạp hơn hơn để khuyến khích đầu tư vào các công ty có các hoạt động ESG tốt và hỗ trợ SDGs”, bà Mahabeer nói.

Những thách thức kinh tế

Việc áp dụng các nguyên tắc ESG vẫn là một thách thức đối với các ngân hàng trong khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch  - Jo Ann Eala người đứng đầu bộ phận Ngân hàng Phát triển bền vững của Bank of Philippines Island (BPI) nhấn mạnh thực tế.

Vị này cho biết, vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (cung cấp gần 80% năng lượng), những thực tế về khả năng cung và cầu năng lượng của Philippines buộc chính phủ và khu vực tư nhân phải hỗ trợ để  đa dạng hóa các nguồn cung nhằm tạo ra nguồn điện ổn định và đáng tin cậy.

Tuy nhiên, theo Mike Ng của OCBC, khả năng tạo doanh thu của các dự án bền vững vẫn còn là một dấu hỏi.

 “Đầu tư vào các thị trường mới nổi, nơi có nhiều dự án cơ sở hạ tầng, kéo theo nhiều hình thức rủi ro khác nhau vẫn chưa được xử lý thỏa đáng. Nếu có được một khuôn khổ chung trên các thị trường mới nổi, điều đó sẽ tăng cường khả năng tạo tiền của các dự án bền vững và chúng ta sẽ thấy sự gia tăng về tài chính bền vững”, ông này cho biết.

Phó Trưởng ban các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính cao cấp  của Moody’s Alka Anbarasu lưu ý thêm, các ngân hàng ASEAN không hoàn toàn rút khỏi các lĩnh vực có rủi ro ESG, nhưng thay vào đó là sự cân bằng giữa các giao dịch như vậy và tài chính bền vững.

 “Ví dụ, các ngân hàng vẫn chưa dừng cho vay đối với các ngành có rủi ro biến đổi khí hậu, như các nhà sản xuất dầu cọ, các dự án điện đốt than. Điều này là do các ngành công nghiệp này tác động đáng kể đến nền kinh tế hoặc sinh kế chung của người dân. Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khu vực chưa được tiếp cận điện đầy đủ, thu nhập bình quân đầu người thấp và khả năng hấp thụ sốc thấp để có thể chịu được sự thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách bảo lãnh của ngân hàng”.

“Thay vào đó, các ngân hàng đang làm việc với những người đi vay để thúc đẩy sự bền vững. Đồng thời, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng xanh khác đang ngày càng trở nên quan trọng. Nhiều quốc gia đã cam kết tăng nguồn xanh trong cơ cấu năng lượng hỗn hợp của mình. Chính điều này đã dẫn đến việc các ngân hàng cho vay nhiều hơn vào lĩnh vực đó”, bà Albarasu nói thêm.

Chẳng hạn, BPI đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng để giúp họ tuân thủ các luật liên quan đến phát triển bền vững. Một ví dụ về điều này là việc BPI tuyển dụng các chuyên gia ngành nghề để thẩm định các đề xuất dự án, Eala chia sẻ. Đối với các hoạt động liên quan đến ngành nông nghiệp, BPI có một đội ngũ chuyên gia nông nghiệp  để xác định các vấn đề kỹ thuật và môi trường tiềm ẩn.

Tiềm năng tăng trưởng

Khi các công ty và chính phủ  ý thức hơn về vấn đề môi trường cùng với với ý thức của người dân đối với biến đổi khí hậu, các ngân hàng có thêm rất nhiều cơ hội để theo đuổi trong lĩnh vực ngân hàng ESG.

“Có rất nhiều cơ hội trong tài chính bền vững mà các ngân hàng nhận ra. Các công ty và thành phố đang chuyển sang các nền kinh tế carbon thấp và bền vững hơn, vì vậy chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều dự án giải quyết nhu cầu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm tới, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, giao thông sạch và quản lý chất thải… Khu vực công không có khả năng thực hiện một mình, vì vậy có rất nhiều cơ hội để vốn tư nhân và ngân hàng nắm bắt để thu hẹp khoảng cách, ông Mike Ng nhận định.

Mahabeer của StanChart cũng lưu ý đến tiếng vang lớn của các hoạt động và giao dịch bền vững. Ví dụ, Singapore đang nhanh chóng trở thành trung tâm cho các khoản vay xanh và bền vững với hơn 10 tỷ USD dành cho hoạt động liên quan đến tài chính bền vững từ năm 2018 đến 2019 và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã công bố thành lập quỹ xanh trị giá 2 tỷ USD.

Eala của BPI thì nhận thấy rằng ngày càng nhiều công ty đầu tư vào các lĩnh vực bền vững để thúc đẩy lợi nhuận của họ. Điều này được chứng minh bằng số lượng sáng kiến ​​của khu vực tư nhân ngày càng tăng xung quanh lĩnh vực hiệu suất năng lượng, năng lượng tái tạo và phục hồi khí hậu. Hơn nữa, có những trường hợp trực tiếp đã được chứng minh về các sáng kiến ​​bền vững có lợi nhuận, nhờ vào các số liệu và công cụ định lượng được các tổ chức như IFC - Ngân hàng Thế giới cung cấp, Eala kết luận.

(Theo Asian Banking & Finance)

Hải Yến