Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú: NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:48, 20/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu tại Hội nghị công bố chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 tổ chức ngày 19/5, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong suốt 10 năm qua, công tác CCHC của ngành Ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức sau đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành Ngân hàng, thông qua việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các lĩnh vực cải cách hành chính.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Nhận thức vị thế của một một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã mạnh mẽ quyết đoán các chương trình CCHC trong từng giai đoạn 5 năm, cũng như hàng năm, lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trong nước và trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.

“Quá trình gần 10 năm qua, CCHC còn thể hiện sự nhất quán không chỉ cải cách trong hệ thống NHNN mà yêu cầu triển khai trong toàn bộ hệ thống các TCTD. Vì thế, nội hàm trong chiến lược tái cơ cấu của toàn ngành Ngân hàng cũng như Đề án tái cơ cấu của các TCTD đều bao gồm nhiều mục tiêu, nội dung, yêu cầu của CCHC”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo của Thống đốc NHNN, sự nỗ lực chung trong toàn Ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều đạt được những kết quả rõ nét tích cực. Trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu về quản lý thị trường vàng, quản lý hoạt động tín dụng, thanh toán của các TCTD... Hoàn thiện khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 năm 2009 đến nay, với hơn 80% TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí, đối với doanh nghiệp và người dân…

Những cải cách đồng bộ, liên tục và bền bỉ của NHNN cùng với hệ thống các TCTD trong nhiều năm qua, đã kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà tăng trường kinh tế ở mức cao, liên tục trong vòng 10 năm qua.

Theo Báo cáo hàng năm của WB, môi trường kinh doanh của Việt Nam hàng năm đều có sự cải thiện tích cực, trong đó Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 2 trong các nước ASEAN tăng 7 bậc so với năm 2018 (vượt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019).

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Để có được những kết quả tích cực trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, có thể kể đến như:

Thứ nhất, luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp... Từ đó, xác định chương trình hành động của toàn Ngành trong cả giai đoạn từ 2011 - 2020 và kế hoạch nhiệm vụ từng năm. Quan điểm và trọng tâm trong điều hành CCHC của NHNN phải có sự thống nhất từ lãnh đạo cao nhất là đồng chí Thống đốc NHNN đến từng cán bộ, nhân viên trong Ngành, từ Trung ương đến địa phương và phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, liên tục không có điểm dừng.

Thứ hai, thường xuyên, giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình, kịp thời quán triệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ, Lãnh đạo NHNN, Ban chỉ đạo của Ngành đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong Ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.

Thứ tư, phải tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đưa nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Thứ năm, chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công mức độ 3, 4…

Cuối cùng, để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC, phải có bộ máy làm thường trực công tác CCHC có trách nhiệm, năng động có tinh thần cải cách và quyết liệt trong công việc; ý thức trách nhiệm, năng lực công tác và đạo đức tác phong công vụ công chức trong toàn Ngành phải được quan tâm và nâng cao.

Ngô Hải