Cải cách hành chính: Mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế xã hội
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:46, 20/05/2020
5 năm liên tục đứng đầu các bộ, ngành Trung ương trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Par-Index do Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá. 2 năm trước, cũng trong Top 3 Bảng xếp hạng. Đặc biệt, điểm số điều tra xã hội học nhiều năm liên tiếp dẫn đầu và gần chạm ngưỡng điểm tối đa cho thấy công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của Ngân hàng Nhà nước được xã hội và chính các bộ, ngành trong Chính phủ ghi nhận.
Phóng viên: Thưa ông, bí quyết nào để CCHC của NHNN đột phá được thành tích ngoạn mục trong những năm qua?
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tôi có thể nói ngay đó là nhận thức phải rất đầy đủ và hành động phải rất quyết liệt. Trong đó NHNN từ người đứng đầu là Thống đốc đã nhận thức rất sớm và rất rõ ràng về CCHC coi đó là “xương sống” và là “tinh thần” của hoạt động quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế quốc tế hội nhập sâu rộng với cơ hội và thách thức đan xen, nền kinh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu hướng tới tăng trưởng bền vững với tiêu chí GDP Xanh, NHNN đã nhận thức rõ phải tái cơ cấu tổng thể toàn diện của ngành Ngân hàng với trọng tâm là hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, góp phần vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2011- 2020. Trong đó CCHC được xác định là nội hàm của Đề án tái cơ cấu tổng thể ngành Ngân hàng nói chung và Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD nói riêng. Đích đến cuối cùng của các Đề án tái cơ cấu hay CCHC là huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để phân bổ, cung ứng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Hay nói cách khác là tạo cơ chế và môi trường cho quan hệ giao dịch giữa các chủ thể trong nền kinh tế được thuận lợi, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Từ đây, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo trong mọi nhiệm vụ nội dung cải cách tổng thể hoạt động ngân hàng theo đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng giai đoạn 2011- 2015 và 2015-2020, phải có sự cải cách sâu rộng cả về phương thức tổ chức, chỉ đạo điều hành của NHNN cũng như tổ chức thực hiện, nhằm hội tụ sức mạnh, tạo ra sự thúc đẩy chung, góp phần liên thông, liên kết trong vận hành các hoạt động NHNN nói riêng và toàn ngành Ngân hàng.
Nhất là với vị thế của một một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh có vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam, lãnh đạo NHNN xác định cải cách là quá trình liên tục không ngừng và bền bỉ. Từ đó, mạnh mẽ quyết đoán triển khai các chương trình CCHC, đi tắt đón đầu những xu hướng phát triển, lựa chọn những cải cách mới nhất của hoạt động tài chính ngân hàng trong nước và trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm với đích đến cao hơn. Đồng thời, bổ sung các định hướng, mục tiêu cụ thể CCHC vào kế hoạch hàng năm nhằm góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội Chính phủ giao phó.
Đặc biệt, để hiện thực hóa các định hướng kế hoạch này NHNN đã chọn 3 trụ cột trong 6 nội dung CCHC làm điểm tựa đột phá cho việc triển khai kế hoạch tái cấu trúc tổng thể ngành, đó là cải cách thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền hiện đại hóa hoạt động hành chính và nâng cao năng lực chất lượng nguồn nhân lực, ý thức trách nhiệm công chức công vụ.
Trong đó, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về khuôn khổ chính sách tiền tệ (CSTT), quản lý, hoạt động của TCTD với trọng tâm là Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2010; Đổi mới, công tác quản lý điều hành tỷ giá vàng hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Đồng thời chỉ đạo các TCTD đặc biệt các TCTD yếu kém triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt; Hướng các TCTD cơ cấu lại danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản của các TCTD dịch chuyển theo hướng tích cực, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Kết quả tái cơ cấu hệ thống các TCTD mạnh mẽ trong thời gian qua góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, có hiệu quả, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, duy trì ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong vòng 10 năm qua của nước ta ở mức cao liên tục, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây cũng là niềm tự hào của ngành Ngân hàng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn, người dân, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đã được hưởng lợi gì từ công tác CCHC của NHNN?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Suy cho cùng bản chất của câu chuyện cải cách hành chính đó chính là làm thay đổi quan hệ giữa cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ với người dân và doanh nghiệp. Mà với ngành Ngân hàng đó chính là việc thay đổi những tập tục tác phong lề lối làm việc của cán bộ ngân hàng với người dân, doanh nghiệp với việc chuyển hoạt động từ hình thức cấp phát sang hình thức phục vụ phù hợp với quan hệ của các loại hình kinh doanh dịch vụ trong điều kiện tiếp cận kinh tế thị trường.
Để thực hiện mục tiêu này Thống đốc NHNN không chỉ đặt CCHC là nhiệm vụ của NHNN mà mở rộng phạm vi đến toàn bộ hệ thống các TCTD. Lại đặt trong bối cảnh 10 năm qua, kinh tế quốc tế diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, chẳng hạn, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung … để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế khắc phục khó khăn từng bước phát triển vững chắc, NHNN đã cụ thể hóa hành động cho toàn ngành chương trình kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh cho giai đoạn cũng như từng năm. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới quy trình hoạt động ngân hàng, nâng cao minh bạch, cắt giảm thủ tục, tiết giảm chi phí hoạt động để hạ giá thành dịch vụ, giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng… Hiệu ứng của việc triển khai các chương trình kế hoạch này trên toàn hệ thống các TCTD đã thúc đẩy nâng cao trách nhiệm không chỉ của các TCTD mà của cả người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, góp phần làm giảm nợ xấu, giảm tổn thất cho ngân hàng. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng ngày càng mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, đó cũng là lợi ích chia sẻ đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Như trước tác động ghê gớm của dịch bệnh Covid-19, NHNN là bộ đi đầu, sớm có giải pháp chung với xã hội để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động nền kinh tế, tạo những bứt phá trong giai đoạn khó khăn và đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay sau khi có chủ trương Chính phủ dừng giãn cách xã hội… Trong đó, việc khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19 được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là những giải pháp rất hữu hiệu và hiệu quả trực tiếp giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.
Phóng viên: Được biết NHNN đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2010 - 2020 cũng như đưa ra chiến lược kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. Vậy ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc một số định hướng lớn trong thời gian tới về CCHC?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Quan điểm về cải cách trong 10 năm tới của NHNN, chúng tôi sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Với quan điểm đó, một định hướng lớn của ngành trong thời gian tới đó là tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.
Định hướng lớn thứ hai là tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Vì thực tế hiện nay ngành Ngân hàng là một ngành kinh tế tổng hợp có độ mở cao trong hội nhập kinh tế kinh tế quốc tế cùng với xu hướng các TCTD ngày càng vươn xa ra ngoài biên giới lãnh thổ và là ngành được dự báo sẽ chịu biến đổi sâu sắc nhất bởi công nghệ 4.0.
Định hướng lớn thứ ba là tiếp tục cải cách trong toàn ngành để tăng cường minh bạch, công khai các hoạt động tài chính, quản lý tài chính công, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Để làm được việc này ngành Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thể chế hóa các quan hệ giao dịch thanh toán để công khai minh bạch mọi hoạt động kinh tế, ngày một giảm bớt đi những thủ tục, vụ việc mang tính chất kinh tế ngầm, từ đó giúp ngân hàng cũng như doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp quản lý nhà nước được minh bạch, xác thực hơn. Và như thế nền kinh tế chắc chắn sẽ hoạt động ổn định bền vững hơn.
Cuối cùng, bằng sự quyết tâm chính trị trong toàn ngành, phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình CCHC hiện nay
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!