Tái khởi động nền kinh tế, cơ hội cho tài chính tiêu dùng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:48, 21/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng với những tiềm năng của thị trường, các chuyên gia tham dự Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế, cơ hội cho tài chính tiêu dùng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 21/5/2020, đều có chung nhận định, tín dụng tiêu dùng có nhiều cơ hội tăng tốc khi đại dịch đi qua.

Toàn ảnh buổi tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế, cơ hội cho tài chính tiêu dùng”

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, tín dụng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng đang được kỳ vọng phục hồi trở lại mạnh mẽ sau thời gian cách ly xã hội. Đặc biệt hơn, tài chính tiêu dùng còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cùng với các giải pháp tài chính khác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những cá nhân khó khăn về tài chính ngắn hạn và giúp tăng sức cầu của nền kinh tế.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dịch Covid-19 khiến cho thu nhập của toàn bộ nền kinh tế giảm thấp, thu nhập khả dụng của mỗi cá nhân đều bị giảm thiểu và nhu cầu tiêu dùng cũng bị tiết giảm. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như quy mô hoạt động của các cơ sở kinh doanh và cung cấp dịch vụ khác cũng sẽ gặp khó khăn trong duy trì quy mô hoạt động, thậm chí phá sản. “Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các công ty tài chính cũng như của các NHTM”, ông Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, dịch Covid-19 kéo theo suy giảm kinh tế, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động nói chung bị giảm sút và đói nghèo gia tăng, nhất là đối với lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức và nông dân. Đây đều là những nhóm khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng.

Cụ thể hơn về những tác động tiêu cực của Covid-19 cầu tiêu dùng trong nền kinh tế, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, số liệu từ báo hành chính 59 tỉnh, thành đến ngày 15/4/2020 cho thấy, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó: lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động)…

Số lượng người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gia tăng, dẫn đến cầu tiêu dùng trong nền kinh tế giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã liên tục suy giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: tháng 1/2020 tăng ở mức 10,2%, tháng 2 tăng ở mức 6%, tháng 3 (khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh) giảm -0,8%, đến tháng 4/2020 giảm 20,5% so với tháng 3/2020 và giảm 26% so với cùng kỳ…

Dưới góc nhìn của công ty tài chính tiêu dùng tại buổi tọa đàm, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHB Finance cho biết, đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng chính là người lao động phân khúc trung bình thấp. Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương khi doanh nghiệp bất ổn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo lại công ăn việc làm cho người lao động, thì bài toán dần dần được tháo gỡ.

Một khảo sát được SHB Finance thực hiện tại hơn 6.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tháng 5/2020 tăng 13% so với tháng 4/2020 và chiếm hơn 85%. Nhóm doanh nghiệp bị giải thể, sắp giải thể, ngừng hoạt động không dao động nhiều giữa hai tháng, vẫn ở mức dưới 4%. “Chúng tôi dự báo nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020. Vấn đề là xác định được khách hàng nào có thể đủ chuẩn để cho vay”, bà Tường Vy cho hay.

Tín dụng tiêu dùng vẫn rất tiềm năng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS.Cấn Văn Lực cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.

Với thực tế thị trường hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư địa cho tài chính tiêu dùng rất lớn nếu nhìn về quy mô và mạng lưới hoạt động. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính, dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 20,5%, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14-15%).

“Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (1,68 triệu tỷ đồng nêu trên), dư nợ của các CTTC chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các NHTM (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%)”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Còn ông Phạm Xuân Hòe cho biết, theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Nếu so với hiện tại, dư địa cho tài chính tiêu dùng còn khá lớn (khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng), đó là chưa kể hàng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

“Còn nhiều cơ hội cho ngành tài chính tiêu dùng, không cần so sánh xa mà các quốc gia quanh Việt Nam khu vực Đông Nam Á”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức bày tỏ. Dù đã đạt tới quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng và chiếm khoảng 20,5% tổng dư nợ của nền kinh tế song tiềm năng và cơ hội của tín dụng tiêu dùng vẫn rất lớn.

Nhìn từ phía cầu, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và ở mức cao trong những năm qua, thị trường tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và ổn định trong những năm tới. Euromonitor đưa ra dự báo rằng GPD thực của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng 91,4% trong giai đoạn 2019 - 2030. Ngoài ra, Vietstock tổng hợp nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Nielsen (2019)… cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam năm đã đạt mức cao nhất là (129) vào quý III/2018, chỉ sau Philippines (133) và Ấn Độ (132). “Như vậy, có thể nhận định rằng về phía cầu, tiềm năng tăng trưởng của tiêu dùng và cơ hội cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới là rất khả quan”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.

Về phía cung, các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay tiêu dùng hiện tại vì những lý do khác nhau, cả khách quan và chủ quan. Thực tế cho thấy, chỉ một phần số lượng khách hàng có thể tiếp cận vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Khi tiếp cận được thì cũng chỉ một phần nhu cầu vay tiêu dùng được đáp ứng, đặc biệt là sinh viên, nông dân. Theo Vietstock (2019), chỉ khoảng 50% khách hàng của công ty tài chính và 60% khách hàng của ngân hàng thương mại được vay và chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vay.

“Nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay “dư địa” cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn”, ông PGS.TS Đặng Ngọc Đức chia sẻ.

Cũng đánh giá thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy cũng chỉ ra rằng, với các công ty tài chính mới gia nhập thị trường trong 3 năm qua, thách thức sẽ có nhiều hơn là cơ hội. Nếu công ty nào chưa đủ thời gian để thiết lập bộ máy nhân sự vận hành ổn định, chưa thể gia tăng nguồn tổng tài sản, doanh thu để tạo lợi nhuận thì trong bối cảnh hậu Covid-19 rủi ro nợ xấu gia tăng, huy động vốn khó khăn sẽ dễ dàng đưa các công ty mới vào ngõ hẹp. “Sau giai đoạn dịch covid sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong việc phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí và đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới. Cơ hội đối với doanh nghiệp nhìn thấy và đi nhanh”, bà Tường Vy chia sẻ.

Thêm nhiều giải pháp kích cầu thị trường khi đại dịch đi qua

“Kích thích tiêu dùng như thế nào là bài toán không dễ giải, đặc biệt là tiêu dùng nội địa”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hệ thống ngân hàng đã có những khung khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng nhưng điều tối quan trọng là người vay phải có việc làm, nếu không có việc làm thì việc vay là bất khả thi và sẽ dẫn đến rủi ro trong hệ thống. “Để kích thích tiêu dùng, cần tạo điều kiện cho người đi vay yên tâm, đảm bảo giải pháp tài chính khả thi trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phương nêu qun điểm.

Theo ông Tú Anh, Việt Nam đang có nền tảng rất tốt, nền móng vững với dự trữ ngoại hối cao, lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu chính phủ rất thấp bên cạnh đó thặng dư cán cân thanh toán giúp nguồn ngoại tệ dồi dào. Mục tiêu của Chính phủ hiện là khai thác thị trường nội địa tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, nghĩa là cơ hội phát triển cho nhu cầu nội địa nhưng chưa có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Do đó, cần làm rõ hơn vai trò của nhà sản xuất, người tiêu dùng, mối quan hệ chính phủ, nhà sản xuất, người tiêu dùng… “Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế về trung hạn tốt là nền móng cho tín dụng tiêu dùng phát triển tốt. Do vậy, nhìn vào hiện tại thì bi quan nhưng nhìn xa hơn tươi sáng ở phía sau. Vượt qua giai đoạn khó khăn này thì sẽ có cơ hội tốt cho ngành tài chính tiêu dùng”, ông Nguyễn Tú Anh nói.

“Khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng 0% lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với doanh nghiệp để trả lương; kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ chi tiêu công 700.000 tỷ đồng (nút thắt chính là thủ tục hành chính); cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia; giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động là yêu cầu không thể thiếu”, ông Phạm Xuân Hòe kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng cho rằng: cần công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá; chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động cho vay cầm đồ (Thông tư liên tịch 02); xử lý nghiêm tội cho vay nặng lãi, bắt buộc gỡ các ứng dụng (App) cho vay bất hợp pháp và truy tìm xử lý loại công ty ma này... Đặc biệt, giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động là yêu cầu không thể thiếu.

Còn theo bà Tường Vy, cần khuyến khích tất cả công ty tài chính tham gia Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, phân nhóm công ty tài chính và có diễn đàn chuyên đề riêng cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tạo một sân chơi mới, liên kết phối hợp giữa các công ty tài chính để chia sẻ các thông tin khách hàng gian lận, nhóm nhân viên gian lận cấu kết khách hàng trục lợi công ty tài chính…

“Nếu Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) có thể cập nhật thêm về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như: thông tin BHXH, thông tin nộp thuế TNCN, thông tin thanh toán/nợ hóa đơn… thì các thông tin này rất hữu dụng cho tổ chức tín dụng tiêu dùng bảo đảm hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân được thực hiện đúng đối tượng để từ đó hạn chế tối đa nợ xấu”, bà Tường Vy đề xuất.

Ngô Hải