Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:42, 21/05/2020
Ngày 21/5, tại Hải Phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, chương trình hành động, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi lãi suất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh, đồng thời bước đầu đã phản ánh những cố gắng của toàn ngành ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ, ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
"Tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực”, Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa hoặc còn chậm trong tiếp cận các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Do vậy NHNN đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch.
Phó Thống đốc cho biết thêm, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng với người dân, doanh nghiệp, Hội nghị này giúp đẩy mạnh triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn khôi phục sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng |
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết, thành phố đã có Chỉ thị về việc khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hải Phòng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), sau 2 tháng triển khai quyết liệt và vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng và công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 138.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 2.037 khách hàng với dư nợ 10.728 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 10.566 tỷ đồng cho 1.997 khách hàng.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hải Phòng đã trao đổi, đối thoại trực tiếp với các ngân hàng trên địa bàn thành phố. Trong đó đề nghị áp dụng hoãn, giãn miễn lãi cho doanh nghiệp; cho vay ngắn hạn để trả lương cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi...
Ông Đào Mạnh Sến – Giám đốc Công ty Đầu tư Vidifi Duyên Hải phát biểu |
Theo ông Đào Mạnh Sến – Giám đốc Công ty Đầu tư Vidifi Duyên Hải, với đặc thù kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực kho bãi, vận tải, dịch vụ, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Châu Âu… nên đã chịu tác động mạnh mẽ về dịch bệnh. Tuy nhiên Vidifi đã được ngân hàng kịp thời hỗ trợ ưu đãi lãi suất, bao gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, giúp công ty giảm áp lực tài chính, góp phần ổn định hoạt động kinh doanh. Đồng thời gián tiếp giúp cho doanh nghiệp có điều kiện để giảm tiền thuê kho, bãi cho các khách hàng thuê kho bãi của dự án, chung tay hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác.
Ông Lê Ngọc Thái – Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Hải Phòng - cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, Vietcombank đã triển khai nhiều giải pháp về miễn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, trong đó giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vận tải, kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu với mức giảm lãi suất lên tới 1,5%. Đối với khoản cho vay mới cũng ưu đãi với lãi suất ưu đãi từ 5-6% năm. Đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm phí dịch vụ cho các khách hàng.
Quang cảnh Hội nghị |
Đồng quan điểm trên, ông Trần Trọng Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Trang Khanh - chia sẻ, ngay mới chớm dịch trong quý I/2020, doanh thu của công ty đã sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong suốt quá trình hoạt động và đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát, phía công ty luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ ngân hàng BIDV chi nhánh Hải Phòng khi 3 lần liên tục giảm lãi suất cho vay về mức 5,5%/năm như hiện nay và giảm các phí giao dịch trực tuyến.
"Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Đây có lẽ chính là liều thuốc bổ có hiệu quả nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp chúng tôi", ông Hải nói.
Ông Hải cũng kiến nghị với mặt bằng lãi suất như hiện nay là tương đối phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, thuận lợi hơn trong việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả. Đồng thời mong muốn phía ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Được biết, tùy thuộc vào “sức khỏe” và độ ảnh hưởng của dịch đối với doanh nghiệp, các ngân hàng đều áp dụng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng các chính sách hỗ trợ rất cụ thể như kéo dài nợ từ 8-9 tháng, giảm lãi từ 0,5 đến 2%, đặc biệt có ngân hàng giảm lãi tới 3%. Ngoài ra, có ngân hàng còn phân công mỗi cán bộ phụ trách 10 khách hàng và 10 ngày làm việc với doanh nghiệp một lần. Hầu hết các ngân hàng đều có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân… nhằm giảm thiểu khó khăn về vốn và góp phần duy trì hoạt động của doanh nghiệp sau dịch Covid-19.