HSBC: Đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:45, 22/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong báo cáo mới nhất về Việt Nam, các chuyên gia của HSBC đưa ra nhận định: đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực.

Đánh giá trong báo cáo, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á tại HSBC, bà Yun Liu cho biết, cũng như mọi quốc gia khác, vượt qua đại dịch Covid-19 vẫn đang là trọng tâm của Việt Nam nhưng đây cũng có thể là lúc để suy nghĩ về việc xây dựng lại một khi đại dịch được đẩy lùi. Khả năng phục hồi của Việt Nam được HSBC nhận định đến từ các khu vực, như: đầu tư trực tiếp nước ngoài, những hiệp định thương mại mới, nhu cầu nội địa...

Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế

Báo cáo của HSBC cho biết, tác động Covid-19 đang gia tăng tại Việt Nam. Dù có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhưng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số liệu trong quý I/2020 cho thấy dịch bệnh Covid-19 có tác động rõ rệt đến tăng trưởng kinh tế. Các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi du lịch chững lại, cùng với đó, ngành sản xuất cũng bị cản trở do nhu cầu trên thế giới bị thu hẹp.

Chỉ 5 tháng trước, Việt Nam đang sẵn sàng nối tiếp câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020. Nhưng dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Chính phủ đã nhanh chóng tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh với việc kiểm soát biên giới, hạn chế đi lại và cuối cùng là thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ba tuần trên toàn quốc. “Thật vui mừng khi thấy những nỗ lực này đã được chứng minh là tương đối thành công, khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở châu Á. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề như nhiều quốc gia khác trong khu vực”, báo cáo đánh giá.

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế. Cụ thể là, kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 chỉ đạt ở mức 3,8%, giảm gần một nửa so với mức 7% vào cùng kỳ năm ngoái. Dù có mức tăng trưởng tích cực và khả quan hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thống kê trong báo cáo đưa ra cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang hứng chịu những gánh nặng kinh tế khi lượng khách du lịch trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm gần 40% so với cùng kỳ. Thiệt hại cho các lĩnh vực liên quan đến du lịch như: giao thông vận tải và lưu trú còn nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Theo HSBC, mục tiêu đón 20,5 triệu khách du lịch trong năm nay của Việt Nam sẽ khó đạt được. Thậm chí, ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu, quan điểm thận trọng trong việc mở của lại biên giới sẽ khiến du lịch trở thành ngành cuối cùng được phục hồi.

Không chỉ có lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng. Sản xuất - trụ cột chính của tăng trưởng Việt Nam - cũng đang bị đình trệ. Dù xuất khẩu vẫn khá tốt trong quý I/2020 nhưng, tác động của dịch Covid-19 đang bắt đầu gây tổn thất cho các hoạt động thương mại trong tháng 4. Theo HSBC, đây có thể chưa phải là thời điểm xấu nhất khi nhu cầu từ phương Tây vẫn đang tiếp tục suy giảm có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các đơn hàng của Việt Nam trong những tháng tới.

Những động lực cho tăng trưởng kinh tế

Bất chấp những thách thức này, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực. Theo HSBC, khả năng phục hồi đến từ các khu vực, như: đầu tư trực tiếp nước ngoài, những hiệp định thương mại mới, nhu cầu nội địa mạnh mẽ...

Đầu tiên và quan trọng nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thành công của ngành sản xuất Việt Nam. Thống kê trong báo cáo cho thấy, từ thời điểm đầu năm 2014 khi Samsung mở nhà máy điện thoại thông minh đầu tiên tại Việt Nam, một dòng vốn đầu tư đã liên tục nối tiếp nhất là trong lĩnh vực dệt may và điện tử. Dòng vốn này tăng mạnh vào năm 2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các ông lớn công nghệ, đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa các dây chuyền sản xuất.

Một “chồi xanh” nữa không nên bỏ qua là Việt Nam đang có được vị thế Cán cân thanh toán (BOP) tương đối mạnh mẽ để bảo vệ chính mình giữa những cú sốc bên ngoài. Từ năm 1996, Việt Nam đã duy trì thặng dư BOP trong hầu hết các năm, ngoại trừ các năm 2009, 2010 và 2015. Đặc biệt là năm 2019, Việt Nam đã có được thặng dư BOP cao kỷ lục là 23 tỷ USD, tương đương khoảng 9% GDP. Nhìn vào sự bùng nổ này, có thể thấy động lực dẫn dắt BOP thặng dư đã phần nào thay đổi.

“Những nỗ lực của Việt Nam hướng tới vị thế BOP thuận lợi hơn trong vài năm qua đã chuyển thành sự tích lũy nhanh chóng về dự trữ ngoại hối (FX)”, báo cáo đánh giá. Cụ thể, năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt gần 78,8 tỷ USD, có thể chi trả cho 4 tháng nhập khẩu.

Mức dự trữ ngoại hối cao đã hỗ trợ đồng VND duy trì tương đối ổn định. VND mất giá so với USD đáng kể trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 nhưng vẫn tương đối ổn định trong những năm gần đây. Tỷ giá VND/USD mất giá ở mức nhỏ, chỉ khoảng 2% mỗi năm trong các năm 2017 và 2018, trước khi ổn định ở mức 23.173 trong năm 2019. Với năm 2020, HSBC dự báo: “VND có thể giảm giá 1,2% so với USD trong năm nay, và tỷ giá có thể ở mức 23.450 VND/USD”.

HSBC cũng lưu ý đến các cơ hội giao thương mới, chẳng hạn như: Hiệp định EVFTA… “Chúng tôi dự đoán ngành dệt may và giày dép sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này, vì những ngành này đang chịu mức thuế suất cao nhất trong tất cả các lĩnh vực”, HSBC dự báo.

Một tín hiệu tích cực nữa được HSBC nêu lên, đó là: áp lực lạm phát đã giảm bớt. Cụ thể, lạm  phát trong tháng 4/2020 đã giảm xuống 2,9% so với cùng kỳ và giảm mạnh so với mức tăng 4,9% của tháng 3/2020. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019, lạm phát xuống thấp hơn mức trần 4% đặt ra. Theo HSBC, khi áp lực lạm phát giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa linh hoạt hơn để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là tiêu dùng. Mặc dù tiêu dùng tư nhân có khả năng chậm lại đáng kể trong năm nay do kinh tế giảm tốc nhưng vẫn còn tiềm năng cho hồi phục. Sự tự tin đến từ các xu hướng dài hạn như cải thiện điều kiện thị trường lao động, đô thị hóa vẫn đang tiếp tục và tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Lan Nguyễn