Đẩy mạnh hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nhóm Công tác Ngân hàng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:59, 22/05/2020
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp xã giao Chủ tịch BWG |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tim M Evans bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ và người dân Việt Nam đã tạo điều kiện để ông có môi trường sống an toàn trong suốt thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn ra vừa qua. Ông đã chứng kiến việc Chính phủ giải quyết rất tốt việc phòng chống dịch bệnh và bản thân thấy vinh dự khi được sát cánh cùng người dân Việt Nam trong thời khắc này.
Ông Tim M Evans đánh giá cao NHNN đã có những chỉ đạo rất rõ ràng, xuyên suốt trong việc đảm bảo hoạt động của hệ thống tài chính, ủng hộ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông cảm ơn sự hỗ trợ của NHNN trong việc hợp tác với BWG.
“Trong những thành tựu chúng ta đạt được trong năm 2019 có thể điểm qua như Nghị định 87, Thông tư 20 về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hay Thông tư 23 về chữ ký điện tử. Qua dịch bệnh Covid-19, chúng ta nhận thấy có rất nhiều khách hàng muốn giao dịch từ xa với ngân hàng. Chính vì vậy, việc sửa đổi các Thông tư đó rất quan trọng và tích cực”, ông Tim M Evans nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Tim M Evans cho biết, còn có nhiều các nội dung nữa mà BWG muốn tiếp tục thúc đẩy trong năm 2020 như: Vấn đề chữ ký điện tử, Thông tư 18 về đảm bảo an ninh thông tin đối với các giao dịch ngân hàng… Ngoài ra, ông Tim M Evans cũng trao đổi một số nội dung đặc thù của Ngân hàng HSBC.
Theo Chủ tịch BWG, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành là Thông tư có tính hỗ trợ rất cao đối với ngân hàng và doanh nghiệp, thể hiện sự phản hồi của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Cảm ơn Chủ tịch BWG đã có những đánh giá cao về những thành quả trong công tác phòng chống dịch Covid của Chính phủ Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, qua đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam là điểm sáng được thế giới và quốc tế ghi nhận. Tuy hoạt động kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhưng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, rất nhiều nước tăng trưởng thấp, thậm chí có nhiều nước tăng trưởng âm. Điều đó để thấy được, Việt Nam có thành quả như vậy nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. .
“NHNN được các cấp lãnh đạo của Việt Nam đánh giá là một trong những bộ, ngành vào cuộc sớm nhất, thực hiện các giải pháp nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất. Đến nay, các kết quả đạt được đã thể hiện tính hiệu quả sự vào cuộc của ngành. Trong khi đó, tổ chức điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn đảm bảo ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đánh giá về vấn đề hợp tác giữa NHNN với BWG, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết với BWG. Hiếm có bộ ngành nào cơ chế hoạt động thường xuyên hiệu quả như vậy, điều này thể hiện trên ba góc độ.
Đầu tiên, NHNN và BWG duy trì một kênh thường xuyên, 3 tháng hoặc 6 tháng NHNN họp với BWG để cùng đánh giá các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đề xuất những chính sách tốt nhất. Một trong những nội dung mà các ngân hàng rất quan tâm là hệ thống các khuôn khổ pháp lý, văn bản NHNN ban hành và sẽ triển khai trong thực tế như thế nào, mặt tích cực và những vướng mắc cần trao đổi, phản hồi từ các định chế tài chính trong nước đối với các cơ quan ban hành chính sách.
Theo Phó Thống đốc, đối với những kiến nghị mà NHNN thấy phù hợp, phát sinh trong thực tiễn cần phải thay đổi, chỉnh sửa các văn bản đó, NHNN cũng sẵn sàng chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý.
Góc độ hợp tác thứ hai, đó là: NHNN thường xuyên làm việc với các ngân hàng nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. NHNN thấy được, với các ngân hàng trong BWG có rất nhiều ngân hàng có nhiều năm kinh nghiệm, hoạt động trên nhiều mảng, thậm chí có những mảng mà Việt Nam chưa phát triển như vấn đề thị trường phái sinh, NHNN muốn học hỏi kinh nghiệm thông qua các cơ chế trao đổi như tổ chức hội nghị, hội thảo, hoặc cử cán bộ sang nước ngoài thực tập, học tập…
Góc độ thứ ba, Ban Lãnh đạo NHNN luôn đánh giá cao vai trò và sự đóng góp, phối hợp của cả nhóm BWG. Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có tính tuân thủ tương đối tốt và hợp tác cao.
Về Thông tư 01, Phó Thống đốc cho biết thêm, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã vào cuộc nhanh chóng, sớm ban hành Thông tư ngay trong tháng 3. Trong đó, những giải pháp mà NHNN cân nhắc là những giải pháp rất thiết thực và bám sát với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Việc ban hành Thông tư 01 khá sớm, lúc đó diễn biến của dịch Covid-19 chưa phức tạp, bây giờ dịch diễn biến phức tạp. Mặc dù Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 trong nước nhưng rất nhiều doanh nghiệp hoạt động có mối liên hệ với các giao dịch thương mại đầu tư quốc tế, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Gần đây, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức các Hội nghi kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại các địa phương để lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ tổng hợp, đánh giá, phân tích, trong trường hợp cần thiết sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
NHNN cũng kêu gọi các TCTD hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân, để khi bình phục trở lại họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết của ngân hàng. Tuy nhiên, đối với các TCTD vẫn phải đảm bảo tính an toàn hoạt động nhưng không hạ chuẩn cho vay cũng như không phá vỡ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng, để duy trì hoạt động ổn định của các TCTD...
Phó Thống đốc cũng cho biết, ngoài Thông tư 01, NHNN còn thực hiện các giải pháp khác như giảm các loại phí trong cung ứng dịch vụ, giảm hai lần các mức lãi suất điều hành, không chủ quan với lạm phát, theo dõi trên mục tiêu tổng thể, có những biện pháp để duy trì chính sách tiền tệ, đảm bảo kiềm chế lạm phát, đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc cũng hy vọng, BWG tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN để chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quốc tế đối với các nội dung, vấn đề hai bên đang quan tâm như thanh toán, thanh tra giám sát, Fintech, tài chính số, tỷ giá…, các sản phẩm mới trong lĩnh vực ngân hàng chưa có trên thị trường Việt Nam như quản lý dòng tiền (BWG hỗ trợ, cụ thể là kinh nghiệm của Trung Quốc và có thể một số quốc gia khác có điều kiện tương đồng như Việt Nam).