Văn phòng Co-working dự báo phát triển sau dịch Covid-19

Kết nối - Ngày đăng : 11:59, 25/05/2020

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong khi gần 50% cửa hàng khu trung tâm Hà Nội trả lại mặt bằng do dịch Covid-19 thì loại hình văn phòng chia sẻ (Co-working) dự báo sẽ phát triển mạnh nhờ sự tối ưu chi phí.

Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao bộ phận Dịch vụ cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) cho biết, nguyên nhân nhà mặt phố (đặc biệt tại các khu vực kinh doanh sầm uất của Hà Nội) vắng khách thuê sau đại dịch là hệ quả của sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. 

“Dịch Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng”, bà Trang thông tin và cho biết thêm, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng tại khu phố trung tâm, khiến cho hoạt động kinh doanh đình trệ. Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc. 

Theo bà Trang, một lý do quan trọng khác nằm ở các hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tại phố cổ. Trong trường hợp không có khách, việc giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây. Ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, và hai mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa. Một khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền.

Thị trường văn phòng chia sẻ Co-working dự báo sẽ phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Một khảo sát về khách thuê bán lẻ của Savills trong quý I/2020 cho thấy 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê. Việc giảm giá quá nhiều cũng tạo sức ép lên chủ nhà, khảo sát cho thấy có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn đưa ra các giải pháp hài hòa trong hỗ trợ về giá về thanh toán và áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định. 

Dù cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng loại hình văn phòng chia sẻ (Co-working) vẫn có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh chịu sự sụt giảm về doanh thu. 

Khác với văn phòng truyền thống là cần sự đầu tư ban đầu lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, văn phòng chia sẻ nổi lên như là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đưa ra lúc này, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ hay start-up khởi nghiệp. 

Với thế mạnh là chi phí thuê thấp và tiền đặt cọc ít cũng như thời gian thuê không quá dài nhưng được đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí. Những yếu tố đó sẽ giúp cho văn phòng chia sẻ có thể phục hồi và phát triển trong thời kỳ các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự cũng như phải tách nhóm nhân viên khị dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: “Do tác động của Covid-19, quý I/2020, công suất thuê của phân khúc văn phòng chia sẻ đã giảm đáng kể do đặc thù thời hạn cho thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt. Ứng phó với dịch bệnh, hiện có những văn phòng chia sẻ đã giảm giá thuê các dịch vụ 20-30% để giữ chân khách hàng, cá biệt những nơi lên tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu”.

Theo bà Hằng, nhóm doanh nghiệp kinh doanh văn phòng chia sẻ cần phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. Họ cũng cần chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Văn phòng chia sẻ (Co-working) tăng nhanh trong vài năm gần đây, thường tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó, Hà Nội đang đạt khoảng 40 đơn vị. Sự ưa chuộng đối với không gian linh hoạt sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc văn phòng chia sẻ. 

Đến năm 2024, thế hệ millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động. Nhóm người này quan tâm đến các văn phòng khác nhau. Các lựa chọn làm việc từ nhà, cách thiết kế văn phòng và các tiện ích bổ sung là những yếu tố thu hút.

Minh Hoàng