Visa, Mastercard đang thu phí thế nào?
Diễn đàn tài chính tiền tệ - Ngày đăng : 11:23, 28/05/2020
Theo Hiệp hội Ngân hàng, trong cơ cấu phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu. Phí xử lý giao dịch bao gồm nhiều loại phí, trong đó vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng phí chồng phí đối với một giao dịch.
Với một giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như: phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ... Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, trung bình các ngân hàng thanh toán đang phải trả cho Visa, Mastercard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch.
“Phí thu trên doanh số của giao dịch xuyên biên giới so với phí thu trên doanh số của giao dịch trong Việt Nam, Mastercard thu cao gấp 30 - 70 lần, Visa thu cao gấp 10 - 30 lần”, cũng theo Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đối với phát hành thẻ, doanh số sử dụng thẻ trong nước và tại nước ngoài của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm sút kể từ đầu năm, tính đến tháng 3 giảm tới 21% và 28% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó doanh số thanh toán thẻ cũng giảm mạnh, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4, doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ, giảm 93% so với tháng 3.
Tại các điểm chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong và ngoài nước tháng 3 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến giảm mạnh trong những tháng tới.
Ảnh minh họa |
Lãnh đạo khối Pháp chế một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, khi chủ thẻ tín dụng quốc tế Visa, Mastercard cà thẻ để thanh toán, cửa hàng chấp nhận thanh toán phải trả phí khoảng 2-3% giá trị giao dịch cho ngân hàng đặt máy POS. Tuy nhiên, khoản phí này ngân hàng đặt máy POS và ngân hàng phát hành thẻ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, phần nhiều còn lại trả cho Visa, Mastercard.
"Do phí cao nên có một số cửa hàng đã thu phí người mua hàng thanh toán bằng thẻ, trong khi đúng ra khách không phải trả phí này", vị này nói và cho biết thêm cuối cùng tất cả các loại phí sẽ 'đổ đầu' người dùng thẻ bởi sẽ tính vào giá hàng hóa.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh, Văn phòng Công Chứng Hà Thành cho biết, “ tôi đang là người dùng thẻ tín dụng quốc tế và thấy việc dùng thẻ tín dụng quốc tế khá tiện dụng trong chi tiêu nhưng phí cao và nhiều loại phí nên cũng không sử dụng thường xuyên', ông Thanh nói và kiến nghị cần giảm phí cho khách hàng để kích thích tiêu dùng cá nhân. Ông Thanh cho rằng, việc Visa, Mastercard giảm phí trong thời gian này không chỉ thể hiện sự chia sẻ với khách hàng trước dịch Covid-19, mà còn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo phản ánh từ các ngân hàng, được biết các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa.
Phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi tới Visa và Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế thu phí để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng Việt Nam. Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard.
Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Theo Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó chú trọng nhiều vấn đề như phí dịch vụ giáo dục, phí dịch vụ y tế, phí cầu đường, vé tàu xe, thu phạt vi phạm hành chính, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội…. |