Vốn nhà nước có thể tham gia ở tất cả các dự án PPP
Tin tức - Ngày đăng : 15:28, 28/05/2020
Phiên họp Quốc hội, sáng ngày 28/5 |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 68/BC-CP ngày 02/3/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Không lựa chọn nhà đầu tư quốc tế trong trường hợp dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia
Về quy mô đầu tư dự án PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 4 theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng, các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tại khoản 1 Điều 18, trong đó có trường hợp tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP để phù hợp với Luật Đầu tư công và trường hợp tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án trong một số trường hợp.
Để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo Luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (tương tự mức quy định trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi)… Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về mức trần được phép điều chỉnh không quá 30%; trường hợp tổng mức đầu tư tăng từ 30% trở lên, trước khi điều chỉnh phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn.
Liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể tại Chương III, tăng từ 9 điều tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thành 16 điều.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ nguyên tắc không lựa chọn nhà đầu tư quốc tế trong trường hợp dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đối với dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm bí mật nhà nước.
Dự thảo Luật cũng quy định một trong các trường hợp hợp đồng dự án PPP phải chấm dứt trước thời hạn là trường hợp vì lợi ích quốc gia, bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước.
Làm rõ quy định về vốn nhà nước trong dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vốn nhà nước có thể tham gia ở tất cả các dự án PPP phụ thuộc vào khả năng cân đối vốn nhà nước trong từng thời kỳ và tính khả thi của dự án theo hướng nhà đầu tư sẽ tham gia ở mức tối đa và Nhà nước tham gia ở mức tối thiểu.
Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo nghiên cứu khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, vốn đầu tư công sử dụng trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công hằng năm. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP.
Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư. Quy định tỷ lệ này áp dụng chung với tất cả các dự án PPP.
Trình Quốc hội xem xét quyết định nhiều nội dung theo hai phương án
Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực để tập trung nguồn lực. 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tuy nhiên, quy định “nhà máy điện” do còn có ý kiến khác nhau nên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, cụ thể:
Phương án 1: giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)”.
Phương án 2: không quy định áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện”.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết do nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhay nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, cụ thể:
Phương án 1: Áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Dự thảo Luật tiếp cận theo hướng xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Sụt giảm doanh thu lớn sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp, có khả năng tác động đến khả năng trả nợ đối với bên cho vay nên cần cơ chế để xử lý ngay cho từng năm. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm.
Phương án 2: Áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi. Việc chia sẻ phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 84 dự thảo Luật, do quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh nghiệp dự án PPP bị thua lỗ. Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng hoặc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.
Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, gồm:
Phương án 1: Xin tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước.
Phương án 2: Không quy định về dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong Luật này; rà soát bỏ các quy định về BT tại một số điều khoản tại dự án Luật do loại hợp đồng BT về bản chất không phải là đối tác công tư như các loại hơp đồng PPP khác.