Các ngân hàng nhỏ của Malaysia, Singapore trước mối nguy khi neobanks xuất hiện
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 11:05, 29/05/2020
Các ngân hàng nhỏ của Malaysia đang đứng ngồi không yên khi Ngân hàng Trung ương nước này (Bank Negara Malaysia) chuẩn bị cấp tới 5 giấy phép ngân hàng số trong năm nay. Theo báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch, việc xuất hiện của các ngân hàng kỹ thuật số có thể đe dọa đến thị phần của các ngân hàng nhỏ do quy mô khiêm tốn của họ trong khi các ngân hàng kỹ thuật số có thể khai thác quy mô và sự đổi mới của mình để tập trung vào các thị trường chưa được phục vụ.
Nhà phân tích Ru & Duan của Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã nói rằng khu vực ngân hàng của Malaysia đã gặp khó khăn trong vài năm qua. Quý IV/2019, Malaysia chỉ đạt tăng trưởng GDP thấp, tiếp đó lãi suất chính sách qua đêm (OPR) bị cắt giảm vào tháng 1 và tháng 3, và sự xuất hiện của các ngân hàng kỹ thuật số sẽ chỉ gây thêm căng thẳng.
Các công ty Fintech lớn như Grab và công ty game Razer đều bày tỏ sự quan tâm đến việc xin giấy phép ngân hàng kỹ thuật số. Ngay cả các ngân hàng truyền thống cũng tham gia vào cuộc đua: các đại gia ngân hàng địa phương có chỗ đứng lớn trên thị trường như Maybank, Ngân hàng CIMB và Hong Leong cũng đang để mắt đến loại giấy phép này.
Điều khiến các ngân hàng nhỏ gặp rủi ro là việc thiếu vị thế trên thị trường để tự bảo vệ mình một cách hiệu quả, Duan lưu ý. “Hơn thế nữa, nguồn lực tài chính hạn chế cũng đồng nghĩa với việc có thể sẽ phải vật lộn để “gánh” các khoản đầu tư CNTT lớn rất cần có để có thể đi trước đối thủ cạnh tranh”, Duan nói thêm.
Ngoài ra, theo nhà phân tích Ivan Tan của S&P, các ngân hàng kỹ thuật số có thể đẩy lãi suất cho vay xuống và sử dụng mô hình không chi nhánh của mình để đưa ra lãi suất cao hơn và thu hút tiền gửi.
Các ngân hàng nhỏ thuộc sở hữu nước ngoài của Singapore cũng đang gặp phải mối đe dọa tương tự ngay cả khi họ đang trong quá trình số hóa, một báo cáo của Moody’s đã tiết lộ. Điều này là do các hoạt động không đáng kể của họ ở quốc đảo này khiến họ không hưởng lợi nhiều khi đầu tư mới về kỹ thuật số. Mặt khác, báo cáo cho biết thêm, các ngân hàng nhỏ trong nước, bao gồm cả ngân hàng Malaya Berhad và ngân hàng ICBC, đã và đang tận dụng lợi thế về cơ sở khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ để củng cố khả năng cạnh tranh của mình.
Singapore đang chuẩn bị cấp 5 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số trong năm 2020 trong số 21 đơn đăng ký nộp vào năm ngoái.
Tuy nhiên, tình hình dường như khá tốt đẹp đối với các ngân hàng lớn trong ASEAN, có vị trí tốt để phát triển trong kỷ nguyên Fintech. Họ có 2 lợi thế cần thiết: nguồn lực để đầu tư vào công nghệ và mua lại các doanh nghiệp khởi nghiệp; và một kho dữ liệu khách hàng phong phú để khai thác công nghệ vào một sản phẩm hoặc ứng dụng có thể bán được trên thị trường, theo ghi nhận của Tan.
Các ngân hàng lớn như vậy bao gồm 3 ông lớn ngân hàng Singapore: DBS, UOB và OCBC, Moody’s cho biết. Ví dụ, DBS đã tận dụng lợi thế của việc có tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao của Singapore để triển khai ví di động DBS PayLah!. UOB tiếp theo sau với ứng dụng ngân hàng tất cả trong một Mighty Pay, trong khi OCBC có hai ứng dụng riêng biệt: thanh toán di động và ngân hàng di động.
Các ngân hàng lớn của Malaysia cũng đã làm theo tương tự, bao gồm OCBC, Hong Leong, CIMB và RHB, tất cả đều có các ứng dụng ngân hàng di động phù hợp với nhu cầu của khách hàng của mình.
Mặt khác, để vượt qua sự cạnh tranh sắp tới, Fitch thấy các ngân hàng nhỏ hơn đã phối hợp với các công ty cho vay kỹ thuật số để ngân hàng thì cung cấp dịch vụ bảng cân đối kế toán, quản lý vốn và rủi ro còn đơn vị cho vay kỹ thuật số thì phụ trách khía cạnh công nghệ. Đây là một chiến lược đã được áp dụng rộng rãi ở Malaysia và các nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, theo Duan, có nguy cơ tiềm ẩn cho các ngân hàng nhỏ hơn khi phải “hy sinh” các mối quan hệ khách hàng.
“Các ngân hàng lớn thường có khả năng thương lượng tốt hơn để đạt được thỏa thuận bảo vệ lợi ích của chính họ với các công ty khởi nghiệp. Nguy cơ từ bỏ quyền sở hữu của khách hàng có thể đánh giá chưa đúng mức và cuối cùng có thể dẫn đến việc các ngân hàng nhỏ trên thị trường dần bị “ra rìa”, Duan nói. Ông này cũng dẫn chứng mối quan hệ đối tác được giữa các ngân hàng thương mại nông thôn Trung Quốc và gã khổng lồ công nghệ AliPay và Tencent, ở đó các ngân hàng giới thiệu khách hàng của họ cho 2 đại gia công nghệ này để sử dụng các sản phẩm quản lý tài sản và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
“Những ngân hàng nhỏ này trở thành kênh tài trợ thuần túy cho các công ty fintech, và các khách hàng gửi tiền vào những ngân hàng này có lẽ đang thấy mối quan hệ ngân hàng của họ gắn kết hơn trong hệ sinh thái sản phẩm của riêng Alipay hoặc Tencent, thay vì với ngân hàng nhỏ đó”, Duan nhận xét.
Tuy nhiên, các ngân hàng kỹ thuật số dường như không phải mối đe dọa lâu dài cho các ngân hàng trong nước. Theo ghi nhận của Fitch, trong khi Malaysia đề xuất yêu cầu vốn đầu tư là 73 triệu USD (300 triệu Ringit) thấp hơn so với Singapore, thì quy định quy mô tổng tài sản vốn là 490 triệu USD (2 tỷ Ringit) của Singapore cho mỗi ngân hàng kỹ thuật số hiện nay được cho là để bao phủ được rủi ro.
Theo Tan, các cơ quan quản lý của ASEAN đã áp dụng cách “tiếp cận đo lường” đối với các ngân hàng kỹ thuật số. Ví dụ, tại Singapore, các tổ chức được cấp giấy phép ngân hàng bán buôn kỹ thuật số không được huy động tiền gửi cá nhân trừ khoản tiền gửi cố định ít nhất là 179.600 USD (250.000 SGD), trong khi giấy phép ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ sẽ được cấp theo từng giai đoạn và tiền gửi sẽ được giới hạn ở mức 53.880 đô la (75.000 SGD) đối với mỗi người gửi tiền và tổng không quá 35,9 triệu USD (50 triệu SGD).
Các cơ quan quản lý khác dự kiến cũng sẽ triển khai các hạn chế tương tự, cả về các quy định về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng kỹ thuật số để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, Tan kết luận.
(Theo Asian Banking & Finance)