Xây dựng nhiều sản phẩm hút khách tại Phố cổ Hà Nội thời “hậu Covid-19”

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 16:36, 02/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong 5 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid–19, lượng du khách quốc tế đến Hà Nội giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ du khách giảm 59,3%. Đến nay dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Thủ đô đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt tại khu vực Phố cổ Hà Nội.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đang chuẩn bị khai trương không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội, nhằm kết nối không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành một thể thống nhất. Quận Hoàn Kiếm xác định các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc, hấp dẫn phục vụ du khách; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát huy khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, trọng tâm là các giá trị văn hóa lâu đời của người Tràng An, các di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn. Khẳng định Hoàn Kiếm là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", xứng tầm là một trong các trung tâm du lịch lớn của Thủ đô và đất nước.

Khách du lịch đến Hà Nội giảm 64,5%

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,13 triệu lượt khách, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 961.000 lượt khách, giảm 65,2% so với cùng kỳ 2019 (bao gồm 692.000 lượt khách quốc tế lưu trú và 269.000 lượt khách du lịch quốc tế trong ngày); khách du lịch nội địa đạt khoảng 3,17 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2019 (bao gồm 1,08 triệu lượt khách du lịch nội địa có lưu trú và 2,09 triệu lượt khách du lịch nội địa trong ngày). Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16.639 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 24.287 tỷ đồng).

Lượng du khách đến Hà Nội sụt giảm chưa từng có bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19

Tính riêng trong tháng 5/2020, khách du lịch đến Hà Nội khoảng 258.000 lượt, giảm 87,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế khoảng 12.000 lượt khách, giảm 97,4% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 12.000 lượt khách quốc tế lưu trú); khách du lịch nội địa khoảng 240.000 lượt khách, giảm 85% so với năm 2019 (bao gồm 91.000 lượt khách du lịch nội địa lưu trú và 154.000 lượt khách du lịch nội địa trong ngày). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 812 tỷ đồng, giảm 88,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội cơ bản là khách công vụ, ngoại giao, người lao động nước ngoài. Theo số liệu cung cấp từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Thành phố Hà Nội, riêng tháng 5 ước tính bình quân mỗi ngày Hà Nội có khoảng 400 lượt khách nước ngoài lưu trú. Tháng 5/2020, khách du lịch đến Hà Nội có tăng so với tháng 4/2020, tuy nhiên không nhiều. Công suất trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 19,26%, tăng 6,46% so với tháng 4/2020 và giảm 51,74% so với cùng kỳ năm 2019. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2020, công suất trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 32,25%, giảm 38,37% so với cùng kỳ năm 2019.

Mở rộng nhiều không gian phục vụ du khách trong khu vực Phố cổ Hà Nội

Là quận tập trung nhiều di tích, danh thắng của Hà Nội, Hoàn Kiếm đang bắt đầu triển khai các hoạt động kích cầu để phục hồi du lịch. Theo báo cáo của Quận ủy và UBND quận Hoàn Kiếm, doanh thu quý I năm nay trên địa bàn Quận đã giảm 39,7% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm sâu trong quý II. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hoàn Kiếm chỉ đạt 66,63% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu giảm chỉ đạt 71,44% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp lưu trú giảm mạnh, tính đến tháng 4 chỉ còn 82/675 cơ sở lưu trú còn hoạt động...

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kịch bản phục hồi ngành du lịch. Theo đó, các hoạt động khôi phục du lịch diễn ra từ cuối quý II/2020 và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch trong quý III/2020. Những biện pháp được Quận thực hiện trong giai đoạn tới bao gồm tăng cường tuyên truyền điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, hỗ trợ thông tin cho du khách; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện kích cầu du lịch, thực hiện nhiều chính sách giảm giá hấp dẫn...

Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, quận Hoàn Kiếm cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khai trương không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội, nhằm kết nối không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành một thể thống nhất. Thời gian khai trương dự kiến ngày 1/7/2020. Quận cũng tiếp tục khai thác hiệu quả không gian đi bộ khu bảo tồn cấp I khu Phố cổ và tuyến phố thương mại du lịch Hàng Đào - Hàng Giấy gắn với chợ đêm và chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, theo hướng nâng cao chất lượng, khai thác giá trị du lịch di sản, khai thác các hoạt động ẩm thực trong khu vực.

Mở rộng không gian phố đi bộ là một trong những giải pháp để Phố cổ Hà Nội hút khách

Tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hoạt động lễ hội đường phố mang đặc trưng văn hóa Hà Nội và các vùng miền cả nước, trở thành điểm nhấn của du lịch thành phố. Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức các không gian ẩm thực mới, như tổ chức lại không gian của Trung tâm thương mại chợ Hàng Da gắn với quảng trường chợ Hàng Da, tuyến phố Tạm Thương-Yên Thái, đình Yên Thái để hình thành không gian trình diễn, biển diễn, quảng bá ẩm thực Hà Thành đồng thời, phát triển ẩm thực khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của chợ Đồng Xuân; cấu trúc lại tuyến phố Hàng Khoai, Cao Thắng; hoàn chỉnh công tác cải tạo, chỉnh trang tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng, tổ chức các hoạt động ẩm thực đặc sắc, liên hoan ẩm thực các nước trong khu vực.

Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, đề xuất thành phố xây dựng cột mốc số 0 của Hà Nội và cả nước tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tạo điểm thu hút khách du lịch và quốc tế. Phương án kiến trúc cột mốc phải có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tại khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng trên địa bàn quận, UBND Quận Hoàn Kiếm nghiên cứu với các giải pháp tạo điểm nhấn, xây dựng chuỗi hoạt động trong việc thiết lập khả năng định hình du lịch. Theo đó, nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai kè sông Hồng đoạn qua địa phận quận Hoàn Kiếm, mở tuyến đường dọc bãi ven sông Hồng, các tuyến đường “xương cá” kết nối 2 phường ngoài đê với trong đê, xây dựng tổ hợp bến thủy nội địa, triển khai thí điểm dự án công viên đô thị kết hợp văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch gắn với cảnh quan tự nhiên tại bãi giữa, bãi ven sông Hồng để phát triển du lịch sông Hồng…

Chương trình hành động phục hồi, phát triển du lịch Hoàn Kiếm trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, trọng tâm là các giá trị văn hóa lâu đời của người Tràng An, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Để xây dựng các sản phẩm trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, quận Hoàn Kiếm cũng đang nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm theo hướng tổ chức xuyên đêm; nghiên cứu cải tạo chỉnh trang và nâng cấp tuyến phố Hàng Khay-Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (đoạn Ngô Quyền cắt giữa) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực (có thể mở rộng ra phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí và các tuyến phố bên cạnh); nghiên cứu, triển khai đề án khu phố Pháp quận Hoàn Kiếm trở thành vùng di sản…

Hương Trà