Nền tảng vững chắc giúp VND chống đỡ tốt các biến động từ bên ngoài
Thị trường - Ngày đăng : 11:14, 04/06/2020
Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Công ty CP Chứng khoán Bảo Biệt (BVSC) vừa công bố cho biết, trong tháng 5, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM có xu hướng ngược chiều nhau.
Trong khi tỷ giá trung tâm gần như đi ngang thì tỷ giá giao dịch tại các NHTM lại giảm 161 đồng, tương đương 0,68%. Như vậy, so với cuối năm 2019, thì tỷ giá trung tâm vào cuối tháng 5 tăng 102 đồng (tương đương 0,4%) còn tỷ giá tại các NHTM tăng ít hơn (92 đồng, tương đương 0,24%).
Mặc dù, đồng Nhân dân tệ (CNY) có xu hướng giảm giá nhanh trong tuần cuối tháng 5. So với cuối tháng 4, CNY trong tháng vừa qua đã giảm giá 0,8%, đưa mức mất giá của CNY so với USD từ đầu năm đến nay lên mức 2,2%. Biến động của đồng CNY như trên chưa gây nhiều rủi ro đối với tỷ giá USD/VND.
Mặc dù không loại trừ khả năng quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tăng nhiệt có thể khiến đồng CNY giảm giá thêm trong thời gian tới nhưng BVSC dự báo: nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không để đồng CNY mất giá quá mạnh trong một thời gian quá ngắn.
|
Theo BVSC, duy trì tỷ giá ổn định với mức giảm giá vừa phải vẫn là một trong những “mỏ neo” ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam hiện cũng ở trạng thái xuất siêu, cộng thêm dự trữ ngoại hối đã “dày” hơn trước là những nhân tố giúp VND chống đỡ tốt trước các biến động từ bên ngoài.
Trên cơ sở đó, BVSC dự báo: “VND sẽ chỉ mất giá 1- 2% trong năm 2020”.
Còn trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản dồi dào đã kéo lãi suất liên xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong tháng 5 vừa qua. Cụ thể, thời điểm cuối tháng, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,28%/năm, 1 tuần còn 0,63%/năm, 2 tuần còn 0,69%/năm - mức thấp nhất từ trước đến nay.
So với tháng 4, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 5 đã giảm mạnh từ 1,4 - 1,7% tùy từng kỳ hạn.
|
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhờ lượng tín phiếu đáo hạn lớn trong tháng 5 (100 nghìn tỷ đồng) và tín dụng có xu hướng suy giảm (tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 đạt 1,32%, giảm so với mức 1,42% hồi cuối tháng 4. Diễn biến này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn ở trạng thái khá yếu.
Ngoài ra, động thái cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN vào ngày 13/5 cũng góp phần định hướng giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn.
Dự kiến trong tuần đầu tiên của tháng 6 sẽ vẫn có thêm 25 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Do vậy, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp trong khoảng thời gian này trước khi có thể bật tăng nhẹ về cuối tháng 6. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn có thể dao động trong khoảng 0,5-1,5% trong tháng 6.