Quốc hội nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank
Tin tức - Ngày đăng : 13:07, 11/06/2020
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank |
Quan điểm trên được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ khi thảo luận tại hội trường Quốc hội trong phiên họp chiều ngày 10/6 thảo luận về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Có thể tự tin hỗ trợ vốn
Theo đánh giá của các ĐBQH, với vị trí, vai trò quan trọng của Agribank trong hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn có tính lan tỏa, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
“Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng, cũng như giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu.
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có đến 70% nguồn vốn tín dụng của Agribank là dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần phải có sự hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững.
“Điều quan trọng nhất, chi bổ sung 3.500 tỷ đồng không phải là chi tiêu dùng mà là chi đầu tư và khi đầu tư phải quan tâm tới yếu tố hiệu quả”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý. Báo cáo kiểm toán Agribank trong năm 2019 cho thấy tổng tài sản của ngân hàng này so với lúc thành lập năm 1988 tăng gấp 1.000 lần, lợi nhuận trước thuế là trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.000 tỷ đồng.
“Với vốn điều lệ là 30.000 tỷ mà lợi nhuận ròng như vậy là khá cao. Trong năm 2019, khoản nộp ngân sách của Agribank là hơn 6.000 tỷ đồng. Do vậy, có thể tự tin hỗ trợ vốn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thực chất là sử dụng ngân sách thông qua dòng vốn tín dụng để hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là hình thức đầu tư phát triển nhân văn và hết sức cần thiết. Đặc biệt, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chúng ta dùng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực nào đó thì còn gợn, chứ cấp vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì cử tri rất hoan nghênh”.
Bày tỏ sự tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) đưa ra những trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM.
Theo đại biểu, trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 NHTM cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước.
Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý: “Về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một NHTM cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho NHTM nhà nước”.
Cũng bày tỏ sự tán thành với việc tăng vốn cho Agribank nhưng đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ băn khoăn khi nguồn tăng vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. “Trong bối cảnh Covid và dự báo còn nhiều ảnh hưởng khó lường đối với nền kinh tế, cùng với đó thu ngân sách nhà nước năm nay gặp nhiều khó khăn thì thời điểm xem xét bổ sung vốn và nguồn sử dụng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2019 để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại có thực sự hợp lý”, đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.
Nếu không tăng vốn, nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
Báo cáo giải trình làm rõ vấn đề về tính cấp bách của việc tăng vốn của Agribank, tác động đến ngân sách nhà nước và thời điểm tăng vốn có phù hợp hay không, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo và NHNN cũng đã chỉ đạo Agribank triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp để tăng vốn, cải thiện hệ số an toàn, cơ cấu lại tài sản theo hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng các tài sản rủi ro, tăng dần các tỷ trọng các tài sản có độ an toàn cao cũng như thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả và bổ sung nguồn vốn tối đa từ phát hành trái phiếu.
Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay Agribank vẫn cần phải có các giải pháp của nhà nước để đầu tư bổ sung vốn điều lệ trong năm 2020, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và đảm bảo an toàn hoạt động cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Theo Thống đốc NHNN, nhiều năm qua Agribank chưa được nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn bị suy giảm.
Hiện nay, nếu tính theo tiêu chuẩn mới tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến thời điểm 31/3/2020 tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo mức tối thiểu là 8%. Còn nếu áp dụng theo quy định cũ, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank cũng chỉ đạt được khoảng 9,2%, tức cũng chỉ xấp xỉ mức tối thiểu là 9%.
Vì vậy nếu không được tăng vốn, Agribank chỉ có thể tăng trưởng dư nợ khoảng 4,5% cho cả năm 2020. Như vậy khả năng cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Agribank dự kiến phải dành 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng. Muốn vậy, mức tăng trưởng tín dụng của Agribank năm nay tối thiểu khoảng 11% và khi đó thì tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 7,9% - không đạt mức tối thiểu theo quy định. "Ngay cả khi thực hiện tối đa các giải pháp tăng vốn như đại biểu Quốc hội đề nghị thì nhu cầu bổ sung vốn của Agribank là khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ đề xuất mức bổ sung 3.500 tỷ đồng cho Agribank trong năm 2020”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Thống đốc NHNN cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, nguồn quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp không có khả năng bố trí, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và NHNN phối hợp đánh giá rất chặt chẽ, rà soát, bàn bạc kỹ các phương án sử dụng ngân sách nhà nước để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2020.
Do đó Chính phủ thống nhất bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận thực nộp ngân sách nhà nước của Agribank năm 2020 tối đa không quá 3.500 tỷ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội thông qua.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 nội dung: nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp của ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.