Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội ngành Ngân hàng
Sống đẹp - Ngày đăng : 13:15, 11/06/2020
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp |
Ban Chỉ đạo hiện nay gồm 16 thành viên do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn NHVN là Trưởng Ban; Công đoàn NHVN là Thường trực Ban Chỉ đạo; giúp việc Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc gồm 05 thành viên.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo đã có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, mại dâm và tệ nạn xã hội một cách kịp thời, hiệu quả đến CNVCLĐ trong toàn Ngành, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đến CNVCLĐ trong toàn Ngành, cũng như của CNVCLĐ đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội.
Trong năm 2019, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn NHVN, đại diện Công đoàn NHVN trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với chuyên môn và các ban, ngành chức năng tích cực đổi mới phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm thu hút đoàn viên, lao động tích cực tham gia vào các hoạt động lành mạnh, giảm tối đa thời gian nhàn rỗi sau giờ làm việc hoặc các ngày nghỉ… tránh xa các tệ nạn xã hội; Phối hợp với chuyên môn cử các cán bộ tham gia các hoạt động nâng cao kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội do các cơ quan chức năng tổ chức.
Chủ động đề xuất, phối hợp với Ban Lãnh đạo chuyên môn xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách quy định về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường làm việc, xây dựng kế hoạch sản xuất gắn liền với Chương trình “Phòng chống và kiểm soát ma túy trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Theo báo cáo của các đơn vị, có hơn 80% đơn vị tổ chức cho người lao động ký cam kết không sử dụng, mua bán, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện khác. Nhiều đơn vị trong Ngành đã bố trí Phòng Y tế Môi trường để thực hiện việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ…
Năm 2019, toàn Ngành đã tổ chức khoảng 10 hội nghị, hội thảo; 9 lớp tập huấn; phát 7.500 tờ rơi, 200 sổ tay; 1.500 tạp chí, báo… cho đoàn viên, người lao động. Đến nay, các đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào trong Ngành nghiện ma túy hoặc buôn bán, tàng trữ chất gây nghiện.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo hiện nay. Theo Phó Thống đốc, mặc dù đây không phải là hoạt động chính của ngành Ngân hàng và Công đoàn NHVN, song công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội là nội dung rất cần thiết.
“Nếu cán bộ, CNVCLĐ nắm rõ được tầm quan trọng của việc phòng, chống HIV/AIDS, không sử dụng hoặc tham gia tàng trữ, buôn bán ma tuý, không tham gia các tệ nạn xã hội thì chính các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng không phải chịu tác động hoặc hậu quả liên quan, từ đó xây dựng được môi trường làm việc văn minh, hiện đại và phát triển”, Phó Thống đốc nói.
Để công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội trong ngành Ngân hàng đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thống đốc đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, phát huy vai trò của Thường trực Ban Chỉ đạo trong việc triển khai công tác này đến các đơn vị và đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, quan tâm, sát sao, tích cực, chủ động hơn nữa để tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong Ngành và tạo điều kiện để triển khai hiệu quả công tác này tại hệ thống đơn vị mình; Giao công đoàn các cấp triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội tại cơ sở.
Phó Thống đốc cũng đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát lại các văn bản liên quan đến công tác này; Làm tốt công tác tuyên truyền vận động giáo dục đối với CBCCVC; Có hình thức giám sát, theo dõi quá trình triển khai công tác này một cách chặt chẽ; Trong hoạt động công đoàn phải chú trọng phong trào, lồng ghép, tổ chức các hoạt động gắn liền với công tác chuyên môn hiệu quả, thiết thực; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cấp trong Ngành; Có hình thức khen thưởng cũng như phê bình những đơn vị làm tốt và làm chưa tốt; Dành kinh phí hoạt động cho những lĩnh vực này…