Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Hà Giang

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 21:42, 12/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 12/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại tỉnh Hà Giang nhằm hỗ trợ khách gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn.

NHNN điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình chung cả nước và Hà Giang, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Do đó, tăng trưởng tín dụng những tháng vừa qua đã giảm sút nhiều. Nhận thức rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay sau Tết âm lịch khi bắt đầu có dịch, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, chương trình hành động của ngành, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

NHNN điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, chủ động điều hòa lượng tiền cung ứng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, tăng cường cho vay với lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch; Kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi ngay trong thời điểm cao trào chống dịch. 

Ngành Ngân hàng muốn chia sẻ khó khăn cho các tỉnh bằng việc giảm lãi suất cho các NHTM, cắt giảm chi phí không cần thiết, tạo điều kiện giảm lãi suất, không phải bằng nguồn lực của nhà nước mà bằng chính nguồn lực của các ngân hàng.

“Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp chính là việc đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng đối với khó khăn của địa phương, doanh nghiệp. Thông qua hội nghị, NHNN muốn lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp, nếu có văn bản cơ chế chưa phù hợp NHNN sẽ chỉnh sửa để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp. Riêng tỉnh Hà Giang còn là tỉnh nghèo, thiếu thốn nhiều mặt, thiên tai khắc nghiệt... ngoài cái chung của cơ chế cả nước, cần phải có cơ chế riêng cho địa phương“, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho biết do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, tháng 5/2020 tăng 1,96% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 5,37%). Đến ngày 3/6, dư nợ tín dụng tăng 1,9%. Tiếp theo 2 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, từ khi có dịch đến nay, NHNN tiếp tục thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành (ngày 17/3 và 12/5) với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh... Công ty chuyển mạch quốc gia NAPAS và Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng trên quy mô lớn giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đã có 100% ngân hàng thành viên của NAPAS tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng. Sau 2 lần giảm phí, tổng số tiền phí thanh toán liên ngân hàng mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Sẽ sửa đổi Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời hạn hoãn giãn nợ để phù hợp với thực tiễn

Được biết, Hà Giang là tỉnh thứ 14 NHNN tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của khách hàng, hiệp hội, các TCTD.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang, cho biết tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh ước tính bị thiệt hại khoảng: 115 tỷ. Riêng HTX hoạt động vận tải thành phố Hà Giang: 45 tỷ. Tổng thiệt hại các HTX trên địa bàn huyện Đồng Văn là huyện du lịch thiệt hại khoảng: 6,5 tỷ đồng, huyện Quản Bạ khoảng: 6 tỷ đồng; huyện Yên Minh: 5 tỷ đồng. Đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách có gần 90% đầu xe của HTX được đầu tư chủ yếu là vốn vay ngân hàng thương mại hoặc thuê mua tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến doanh thu của các HTX bị sụt giảm, trong khi đó các chi phí cho hoạt động không thay đổi dẫn đến họat động của các HTX từ tháng 1 đến tháng 4, không có lợi nhuận, doanh thu chỉ để bù đắp một phần các chi phí duy trì hoạt động dẫn đến không có tích lũy để trả gốc và lãi theo định kỳ hàng tháng.

Quang cảnh Hội nghị

Để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch virut Covid-19 gây ra, giảm gánh nặng cho các HTX trong giai đoạn hiện nay. Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đề xuất với UBND tỉnh, NHNN có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng. Cụ thể: Đối với các HTX đang vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các TCTD được khoanh nợ, giãn nợ từ 6 tháng - 1 năm và hỗ trợ lãi suất (lãi suất mặt bằng 0%) trong thời gian gia hạn. Đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ xem xét hỗ trợ các HTX có dư nợ tại Quỹ hỗ trợ theo hình thức miễn giảm lãi suất tiền vay trong 6 tháng cuối năm 2020 và gia hạn thời hạn trả nợ gốc khoản theo định kỳ của năm 2020 để các HTX ổn định sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế. Hỗ trợ cho các HTX về chi phí chi trả lương và các khoản đóng góp như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời gian phải nghỉ việc do dịch bệnh. Có chính sách hỗ trợ áp dụng trong thời gian có dịch nhằm giảm chi phí đầu vào như: giảm giá điện, nước, thuê mặt bằng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn các khoản thuế phải nộp của HTX.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh khẳng định quan điểm của NHNN rất quyết liệt và vào cuộc rất nhanh triển khai Thông tư 01 điều quan trọng nhất là chính sách phải đi vào cuộc sống. Để làm được điều này, cần sự đồng lòng, đồng tình, sự quyết liệt của các cấp, các ngành.

Phó Thống đốc cho rằng cả phía ngân hàng và doanh nghiệp đều phải đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ nhau, nhất là trong lúc khó khăn. Mặt khác ngân hàng phải trở thành người tư vấn, hỗ trợ, tham mưu cho doanh nghiệp có thêm thông tin về thị trường, đảm bảo quản lý tốt dòng tiền.

Đối với vấn đề giảm sâu thêm lãi suất, kéo dài thời hạn cơ cấu ân hạn, NHNN sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu để tạo điều kiện cho cả DN và ngân hàng, vì theo Phó Thống đốc, “lãi suất giảm cũng quý nhưng nếu kéo dài được thời hạn cơ cấu thì đối với nhiều doanh nghiệp đó mới cần thiết”. Với kiến nghị tài sản thế chấp còn chặt chẽ, quan điểm của Thông tư 01 đã tạo cho các TCTD chủ động trong việc cơ cấu, giảm lãi suất nên TCTD có quyền xử lý vấn đề thế chấp sao cho hiệu quả nhất.  

Thời gian tới, NHNN sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng hơn điều kiện cơ cấu, tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn. 

Về vĩ mô, NHNN sẽ vẫn giữ kiểm soát lạm phát để tránh ảnh hưởng đến đời sống xã hội, mặc dù nới tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, NHNN tiếp tục có chính sách tạo điều kiện cho TCTD có cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng.

T.D