Phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:21, 13/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hội Luật gia Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội; không vì mục đích lợi nhuận.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam.

Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực pháp luật trên phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ của Hội

Nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam gồm: chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội; tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án khác theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước.

Tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân; tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật...

Tiêu chuẩn hội viên

Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành khác nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, tán thành Điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội Luật gia Việt Nam.

Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin gia nhập Hội có thể được công nhận là hội viên danh dự của Hội.

Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của Hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội.

Tổ chức của Hội

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước gồm: 1- Hội Luật gia Việt Nam; 2- Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hội Luật gia cấp tỉnh); 3- Hội Luật gia huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (Hội Luật gia cấp huyện); 4- Chi hội Luật gia trực thuộc.

Đ.T