Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo
Văn hóa - Ngày đăng : 09:36, 16/06/2020
Hải trình vĩ đại
Vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Văn Ba) đã lên con tàu Pháp mang tên L' Admiral Latouche Trévill để xin làm phụ bếp. Sau đó, Người đã trải qua cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm ròng, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia. Chính vì lẽ đó, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rằng: “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/ Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi”. Có thể nói sẽ không có “đời bồi tàu” nào lại cao cả về mặt mục đích như của Người. Bởi thế, dù có khó khăn, cực khổ, nguy hiểm thế nào, Người vẫn vững chí hiên ngang trên hải trình vĩ đại của chính mình để đem lại một tương lai khác hơn, tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam đang rên xiết dưới gót giày các thực dân Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ hải quân Việt Nam. Ảnh: Truyền hình Công an Nhân Dân |
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp âm mưu xâm lược và đô hộ trở lại nước ta. Nhưng với tài ngoại giao khôn khéo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngay lập tức có hành động thiện chí để nhân dân Pháp và nhân dân thế giới nhận ra được bộ mặt hiếu chiến của thực dân Pháp. Ngày 18/10/1946, sau chuyến thăm nước Pháp, Người đã trở về nước trên tàu Đuymông Đuyếcvin. Tàu cập cảng tại Vịnh Cam Ranh (Nha Trang) và Người lại hội kiến với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ. Khi ấy Đácgiăngliơ đã nói rằng: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoléon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Lý do là Đácgiăngliơ đã biết rõ rằng Người đã từng bôn ba trên biển vào thời trai trẻ nên rất dày dặn kinh nghiệm về biển cả và kinh nghiệm đi biển. Người đã sử dụng lời nói đầy vẻ thân thiện này của Đácgiăngliơ để khẳng định thêm về chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Câu nói này đã khiến Đácgiăngliơ cũng phải mỉm cười thán phục về tài ứng đối của Người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền biển. Ngày 15/3/1961, nhân dịp đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Và vì quan tâm nhiều về biển đảo quê hương nên đã nhiều lần Người tới các đảo như Đảo Tuần Châu, Đảo Hòn Rồng, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cô Tô, Đảo Vạn Hoa, Đảo Bạch Long Vĩ… để thăm và chúc Tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Hình ảnh của Người như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa làm chúng ta vô cùng xúc động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tới thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đồng ý cho dựng tượng mình ở đây. Đây là nơi duy nhất Người đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống. Tượng đài Người đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng của Người trên đảo cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển đảo Tổ quốc và ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam về điều thiêng liêng không thể đánh đổi.
Đường Hồ Chí Minh trên biển
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, việc tiếp tế và chi viện thường xuyên cho cách mạng miền Nam là hết sức cần thiết. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Ngày 23/10 trở thành ngày truyền thống của đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
22 giờ 10 phút ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí đã xuất phát từ bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng đi Cà Mau. Chuyến tàu cập bến thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã vô cùng anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược - một con đường có một không hai trên thế giới.
Chỉ trong vòng 1 năm đầu tiên, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường. Đến ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Trong vòng 14 năm, từ năm 1961 đến năm 1975, gần 2.000 lượt chiếc tàu không số, vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển 15 vạn tấn vũ khí trang bị và 8 vạn lượt người, góp phần chi viện đắc lực cho chiến trường, cùng toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn các vị khách nước ngoài thăm vùng biển nước ta trên tàu hải quân. Ảnh: Báo Giao Thông Vận Tải. |
Đặc biệt, ngày 4/4/1975, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân phải “nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân nguỵ Sài Gòn chiếm thuộc quần đảo Trường Sa”. Sau đó, do tình hình chiến sự miền Nam phát triển rất nhanh, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng giải phóng Trường Sa. Chính vì quyết định nhanh chóng và đúng đắn này, từ ngày 14 đến 29/4/1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tiếp đó Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.
Như vậy, các chiến sĩ trên các đoàn tàu không số đã tiếp bước chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên một huyền thoại về con đường mang tên Người trên biển, thực sự đã nối dài hành trình vĩ đại của các thế hệ yêu nước Việt Nam đến bất tận.
Thế kỷ XXI được coi là “Thế kỷ của đại dương”. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu tổng quát lúc đó nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Biến mục tiêu đó thành hiện thực là cách tốt nhất để kế thừa, gìn giữ, phát huy và bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của cha ông cho con cháu mãi mãi mai sau.