Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán
Tin tức - Ngày đăng : 13:59, 16/06/2020
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
Do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; Đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Đã miễn giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200.000 tỷ đồng
Về ngân sách, Bộ Tài chính đã đề xuất miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó: thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.
Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; Trình Quốc hội xem xét giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Đồng thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm2020; Trình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020…
Về chi NSNN. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang), NSNN còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.
Qua giải trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra rằng, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Do đó, với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có độ mở cao, tác động của đại dịch này là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài.
4 giải pháp cân đối thu chi ngân sách
Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản đánh giá tác động đến cân đối NSNN. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thu ngân sách 5 tháng mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức rất thấp từ năm 2014 đến nay. Dự báo, thu NSNN năm 2020 sẽ không đạt dự toán. Theo Luật NSNN, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi.
Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách, các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp khác, bao gồm cả nguồn tăng thu năm 2019 chuyển sang, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5% thì bội chi NSNN khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tỷ lệ nợ công khoảng 55,5% GDP.
Với trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi NSNN sẽ khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán và nợ công khoảng 56,4% GDP.
Với cả hai kịch bản trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% và nợ công vẫn dưới 65% GDP, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội”.
Với nhận định tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối thu-chi ngân sách còn khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác điều hành của ngành tài chính trong những tháng cuối năm 2020 sẽ tập trung vào một số điểm, cụ thể:
Đầu tiên, triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Hai là, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Ba là, đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700.000 tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019). Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài,để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bốn là, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu NS năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu. Đồng thời, rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.