Quốc hội đồng ý cấm dịch vụ đòi nợ

Tin tức - Ngày đăng : 17:00, 17/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với 92,34% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) trong phiên họp chiều ngày 17/6.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 17/4

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, cụ thể:

Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.

Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 15 và Điều 16). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước.

Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26). Có ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn những hình thức đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển…

Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định đối với các dự án thuộc diện chấp thuận đầu tư mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phải đến cơ quan có thẩm quyền hai lần, một lần để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, một lần để xin chấp thuận nhà đầu tư.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư (Điều 46). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định rõ phạm vi áp dụng quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản về việc chuyển nhượng dự án đầu tư tại khoản 2 Điều 46. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 50 và 51 của Luật Kinh doanh bất động sản tại Điều 75 dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp về thủ tục có tính chất, nội dung tương tự nhau giữa hai Luật này…

Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021.

 

Đ.T