Khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 17:16, 19/06/2020
Các đại biểu cắt băng khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh Huy Hoàng |
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương cùng các nhà báo lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà và đông đảo những người làm báo tham dự.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng cùng các cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông của Hiệp hội đã tới tham dự và chúc mừng Hội Nhà báo.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cho biết, ngay từ khi mới xuất hiện, báo chí Việt Nam đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, lớp lớp các nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên khắp các vùng miền đất nước. Hơn 500 người làm báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước và hội nhập.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu khai mạc. Ảnh Huy Hoàng |
Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có hơn 1.000 ngày thực thi nhiệm vụ được giao, với một quyết tâm mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thiện Bảo tàng. Trong 3 năm qua, Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên. Thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia được đặt tại Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trưng bày trên diện tích 1.500m2 với 2 tầng. Bảo tàng đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Nội dung trưng bày của Bảo tàng gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975, báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Dự án trưng bày triển khai cùng dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công.
Chia sẻ niềm vui với những người làm báo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí và đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ nhà báo. Các không gian trưng bày của Bảo tàng không chỉ tái hiện lịch sử báo chí mà còn góp phần tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam; lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc; góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ; giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực và hy sinh của các thế hệ nhà báo.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả của các nhà báo. Ảnh Huy Hoàng |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả của các nhà báo, các gia đình nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trong nước đã sưu tầm, quy tụ hàng vạn tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam để trưng bày tại đây.
“Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, nỗ lực sáng tạo, chủ động bắt nhịp với đời sống báo chí trong và ngoài nước; thu hút sự quan tâm, tham quan, tìm hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân; góp phần truyền bá tư tưởng, lịch sử cách mạng, thêm những trải nghiệm phong phú về nghề báo, bồi đắp ý tưởng, nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm cống hiến, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng cùng các cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông của Hiệp hội cùng chụp ảnh kỷ niệm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam |