Covid-19 tiếp thêm áp lực lên thị trường dầu

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 11:04, 22/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội đã đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA), nhu cầu về dầu quý I/2020 giảm 5% và dự báo quý II/2020 giảm 20%, do các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chậm trễ để đạt được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu khai thác. Lượng dầu tồn kho tăng nhanh và đạt đỉnh cao vào tháng 6/2020.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2020, đồng thời đưa ra những rủi ro đối với thị trường dầu do giá dầu sụt giảm mạnh.

Giá dầu giảm do “cầu” giảm sâu

Từ cuối tháng 1/2020, giá dầu thế giới bắt đầu có triệu chứng sụp đổ, chủ yếu là do nhu cầu giảm sâu, khi các nước phải gồng mình chống đại dịch và triển khai các biện pháp giãn cách xã hội. Những giải pháp này đã đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái trầm trọng, trong đó du lịch và giao thông chịu ảnh hưởng nhiều nhất do hai lĩnh vực này chiếm khoảng 2/3 nhu cầu về dầu mỏ. Trong năm 2020, giá dầu được dự báo sẽ giảm khoảng 9% - một mức suy giảm chưa có tiền lệ. Về phía cung, sự chậm trễ trong việc đưa ra thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đã trầm trọng thêm xu hướng sụt giảm giá dầu.

Từ tháng 3/2020, thị trường dầu mỏ chịu tác động kép của cú sốc cung và cầu, dẫn đến tình trạng giá dầu sụp đổ theo cách chưa từng có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 và những biện pháp ngăn chặn nguy cơ lan truyền bệnh dịch (như cách ly để kiểm soát dịch, hạn chế đi lại, đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế) khiến tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn. Để đối phó với đại dịch, các chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ công dân và hạn chế rối loạn kinh tế, các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách và hỗ trợ thanh khoản với quy mô rất lớn. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn rơi vào suy thoái trầm trọng do kinh tế thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu.

Trên thế giới, giá dầu Brent giao ngay bắt đầu giảm từ ngày 22/1/2020, thiết lập đáy 9 USD/thùng (giảm 85%) vào ngày 21/4/2020. Sau đó, dầu thô Brent phục hồi trở lại nhưng chỉ dao động quanh mức giá 30 USD/thùng trong ba tuần lễ đầu tháng 5/2020, không bằng một nửa mức đáy thiết lập vào tháng 1/2016 trong giai đoạn sụt giá 2014-2016. Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt WTI có lúc giảm xuống -40,3 USD/thùng, sau đó hồi phục lên mức giá -37,6 USD/thùng vào cuối phiên.

Cắt giảm sản lượng để cứu thị trường dầu

Nhu cầu về năng lượng sụp đổ sau khi OPEC và CHLB Nga trì hoãn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 3/2020, lượng dầu khai thác tại một số nước OPEC vì thế đã tăng trở lại ngay lập tức. Đầu tháng 4/2020, các nước trong và ngoài OPEC đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tới 9,7% trong tháng 5 và tháng 6/2020, sau đó tiếp tục giảm. Tương tự, sản lượng dầu tại các nước ngoài OPEC cũng giảm dần. Tuy nhiên, mức cắt giảm này không đủ để cứu thị trường dầu, và giá dầu tiếp tục sụt giảm ngay sau khi kết thúc cuộc họp.

Theo IEA, sản lượng dầu tại Mỹ sẽ giảm gần 2 triệu thùng/ngày xuống 11 triệu thùng/ngày vào quý IV/2020. Giá dầu được kỳ vọng sẽ đạt mức giá trung bình 32 USD/thùng trong năm nay và 38 USD/thùng trong năm 2021, cao hơn so với mức 26 USD/thùng và 21 USD/thùng dự báo đưa ra hồi tháng 1/2020. Nhu cầu về dầu mỏ được dự báo giảm 8,6% trong năm 2020. Đây là đợt suy giảm chưa có tiền lệ, vượt xa mức suy giảm 4% vào năm 1980. Cùng với sự sụt giảm nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu, lượng dầu tồn kho tăng rất cao, vượt xa công suất của các kho chứa dầu.

Nhu cầu về các mặt hàng kim loại cũng sụt giảm mạnh, khiến giá cả giảm tới 16% trong năm nay, trước khi tăng nhẹ vào năm 2021. Giá cả các mặt hàng nông nghiệp giảm sút trong sáu tháng đầu năm, nhưng sẽ chỉ giảm nhẹ trong năm nay, do những mặt hàng này không nhạy cảm như các mặt hàng công nghiệp. Mặc dù sản lượng và dự trữ lương thực vẫn ở mức cao, nhưng an ninh lương thực vẫn là vấn đề đáng lo ngại, do rối loạn các chuỗi cung ứng và các biện pháp hạn chế đi lại. Tại những nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) với tỷ lệ đói nghèo ở mức cao, suy giảm thu nhập do rối loạn các hoạt động kinh tế có thể làm tăng nguy cơ bất ổn lương thực. Một số nước đã thông báo chính sách tạm thời về hạn chế thương mại như cấm xuất khẩu, tương tự như trong thời kỳ giá thực phẩm tăng cao trong những năm 2007-2008 và 2010-2011. Trong khi nguồn cung bền vững có tác dụng ổn định giá cả, giá cả tăng đột biến tại các khu vực trên thế giới có thể xói mòn an ninh lương thực.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bị thu hẹp, giá dầu thấp dường như không mang lại tác động đáng kể cho kinh tế toàn cầu, thậm chí xói mòn bảng cân đối tài sản của các cơ sở sản xuất dầu. Lượng dầu tồn kho tăng cao cho thấy, giá dầu sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài, có thể trở thành đóng góp ban đầu cho tiến trình phục hồi kinh tế, khi tình hình cải thiện.

Đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội đã đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái. Theo IEA, nhu cầu về dầu giảm 5% trong quý I/2020 và dự báo giảm 20% trong quý II/2020, do các nước trong và ngoài OPEC chậm trễ trong việc đạt được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu khai thác. Trong khi đó, lượng dầu tồn kho tăng nhanh và đạt đỉnh cao vào tháng 6/2020.

Các nước xuất khẩu năng lượng thuộc nhóm EMDEs ảnh hưởng nặng nề nhất

Cùng những cú sốc khác khủng hoảng y tế, các dòng vốn đào thoát tăng kỷ lục, trao đổi thương mại và hoạt động thương mại đình trệ đã đẩy EMDEs vào tình cảnh khó khăn hơn. Trong đó, các nước xuất nhập khẩu năng lượng vấp phải áp lực rất lớn về kinh tế và tài chính.

Trên thực tế, các nước xuất khẩu năng lượng thuộc nhóm EMDEs vẫn phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu hàng hóa và có vị thế tài khóa không bền vững. Trong năm 2019, khu vực năng lượng tiếp tục đóng góp khoảng 12% thu ngân sách tại các nước xuất khẩu năng lượng thuộc nhóm EMDEs. Trong khi đó, nợ công tại những quốc gia này tăng từ 27% GDP trong năm 2013 lên 50% GDP vào năm 2019, cán cân tài khóa chuyển từ trạng thái cân bằng trong năm 2013 sang thâm hụt 2,7% GDP vào năm 2019. Thực tế này có thể sẽ cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế và nền tài chính công, kể cả sau khi đã thoát khỏi khủng hoảng y tế.

Các chuyên gia WB cho rằng, thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra có thể kéo dài, cản trở các nỗ lực khắc phục những rối loạn trên thị trường lao động, các chuỗi giá trị, bảng cân đối kế toán, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và đảm bảo môi trường an toàn. Trong số này, các nước xuất khẩu năng lượng thuộc nhóm EMDEs vấp phải khó khăn nhiều nhất. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo phải có cam kết đáng tin cậy về khả năng phục hồi tính bền vững của các gói hỗ trợ tài khóa (để đối phó với đại dịch) đã cung cấp. Đối với các nước xuất khẩu năng lượng, điều này đòi hỏi phải đề ra được chương trình cải cách, mà nhiều nước đã tiến hành trong thời kỳ suy giảm giá dầu 2014-2016. Một số nước xuất khẩu năng lượng thuộc nhóm EMDEs đã thành công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế sau khi tiến hành các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng phi năng lượng, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các nước nhập khẩu năng lượng, giá dầu lao dốc là cơ hội để xem xét lại giá năng lượng vào tạo thêm dư địa tài khóa để hỗ trợ triển vọng kinh tế dài hạn.

Xuân Thanh