Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo điển hình qua mạng

Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 17:40, 23/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các hình thức lừa đảo qua mạng internet và mạng xã hội cũng có xu hướng gia tăng, nhiều đối tượng lợi dụng uy tín, thương hiệu của các ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Một số thủ đoạn lừa đảo điển hình:

Gửi các email/tin nhắn lạ có nội dung khẩn cấp, ví dụ: liên quan dịch bệnh Covid-19 như: hướng dẫn cách bảo vệ khỏi virus Covid19, hướng dẫn vay vốn ưu đãi hoặc nhận tiền trợ cấp của chính phủ do dịch bệnh… Ngay khi click vào email/tin nhắn hoặc mở file đính kèm của email/click vào link gửi kèm email/tin nhắn, mã độc sẽ lây lan sang các thiết bị của người dùng để xâm nhập, phá hủy, chặn quyền, sửa nội dung, sao chép dữ liệu và đánh cắp các thông tin cá nhân có trong các thiết bị này. Đặc biệt, từ những thông tin thu thập được, đối tượng sẽ tìm cách yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử, mã OTP (mật khẩu một lần) của (Internet/Mobile Banking) để chiếm đoạt tài tiền từ tài khoản.

Giả mạo website ngân hàng cung cấp các dịch vụ cho vay online, lập số điện thoại hỗ trợ gần giống số tổng đài của ngân hàng, qua đó yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link giả mạo và cung cấp các thông tin về Tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP (mật khẩu một lần), thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận.

Giả mạo facebook của những người nổi tiếng kêu gọi chuyển tiền hỗ trợ chống dịch, an sinh xã hội, từ thiện  với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt số tiền ủng hộ.Yêu cầu KH chuyển khoản đặt cọc mua các mặt hàng thiết yếu: cồn rửa tay, khẩu trang y tế, thuốc điều trị dịch bệnh với lý do cần gom số lượng lớn, nhà sản xuất yêu cầu đặt cọc để đảm bảo sản xuất, sau đó xóa facebook và số điện thoại không liên lạc được.

Để hạn chế tối đa các rủi ro thất thoát tài sản, khách hàng cần:

Tuyệt đối:

Không mở email/tin nhắn lạ; Không mở file hoặc click vào link được gửi từ địa chỉ lạ, không xác định (đặc biệt không bắt đầu bằng https:// và không có biểu tượng ổ khóa);

Không cài các ứng dụng lạ chưa được xác thực hoặc khi cài đặt có cảnh báo không an toàn;

Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản, số thẻ, số PIN (mật khẩu của thẻ)… của cá nhân vào một trang web/liên kết khác với trang web chính thức của ngân hàng  hay ứng dụng khác của ngân hàng online;

Không cung cấp cho bất cứ ai các thông tin về các dịch vụ Ngân hàng điện tử gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã OTP xác thực/kích hoạt dịch vụ ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng hay nhân viên cơ quan nhà nước;

Không thực hiện chuyển khoản trước khi xác thực được người/nguồn yêu cầu.

Nên thực hiện:

Thay đổi mật khẩu ngay trong trường hợp đã click link giả theo hướng dẫn từ tin nhắn/email giả mạo.

Báo ngay với Ngân hàng theo Hotline 24/7 của các ngân hàng hoặc điểm giao dịch ngân hàng của mình gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ Thẻ/Ebanking trong trường hợp bị lừa đảo mất tiền, bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ… của cá nhân.

Báo ngay công an địa phương hoặc gọi tới số trực ban hình sự của địa phương khi phát hiện mất tiền trong tài khoản do bị lừa đảo để kịp thời điều tra.

Để bảo đảm quyền lợi của mình, khách hàng của ngân hàng cần lưu ý:

Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên Ngân hàng. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin mã OTP.

Chọn đúng số Hotline chính thức và Địa chỉ đăng nhập vào ibanking chính thức của ngân hàng.

(Theo https://www.shb.com.vn)   

N.L