Tái định hình doanh nghiệp để phát triển bền vững hậu Covid-19

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 22:24, 27/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khi đa số các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ doanh thu và lợi nhuận, trong đó bao gồm tái cơ cấu chi phí, thì cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang thay đổi những khái niệm cũng như mô hình chi phí mà doanh nghiệp đã quen thuộc.

Theo đánh giá của PwC, từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, phản ứng đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, đều xoay quanh các biện pháp cắt giảm chi phí.

"Cắt giảm chi phí là phương án thiết thực nhưng chưa đủ. Các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sao cho không ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hay phục hồi của doanh nghiệp", PwC nhận định.

Thực tế cho thấy, với những thay đổi nhanh chóng hiện nay, việc tái định hình và xây dựng lại mô hình kinh doanh bên cạnh chiến lược về chi phí là rất quan trọng để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, cần có những động thái chủ động, kịp thời từ phía các doanh nghiệp để định hình lại về cơ cấu tổ chức cho tương lai.

Nguyên nhân do đại dịch lần này đã khiến cả các động lực thị trường và phương thức kinh doanh đều đã thay đổi. Các chi phí từng được coi là cố định đối với các lãnh đạo doanh nghiệp thì nay lại là chi phí biến đổi (ví dụ: như chi phí thuê văn phòng).

Trong khi đó, một số yếu tố từng được xem như “yếu tố bổ sung giá trị” (value added) như: kỹ thuật số và tự động hóa, thì nay có vai trò chiến lược.

Chỉ 11% các lãnh đạo tài chính (CFO) tham gia vào Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về Covid-19 do PwC thực hiện vào tháng 6/2020 cho biết, đang cân nhắc tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số.

Điều này cũng đồng nhất với những kết quả mà các lãnh đạo tài chính chia sẻ về kế hoach đẩy nhanh tốc độ tự động hóa và nâng cao khả năng làm việc từ xa của doanh nghiệp.

Trong khi cắt giảm chi phí tiếp tục là biện pháp tài chính được các lãnh đạo ưu tiên xem xét (với trên 80%), thì con số các CFO lựa chọn cân nhắc về việc hủy hoặc tạm dừng các kế hoạch đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ngày một giảm (14%) so với các kết quả trước đây trong chuỗi các khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về Covid-19 do PwC thực hiện.

Điều này cũng phần nào cho thấy nhận thức ngày một rõ nét của các lãnh đạo tài chính về mức độ cần thiết của việc tiếp tục cân bằng giữa cắt giảm chi phí sao cho không ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh trong khi vẫn điều tiết việc đầu tư cho các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.

PwC cho rằng, trong mọi cuộc khủng hoảng, vẫn luôn có những cơ hội để tái thiết và tạo sự khác biệt nâng cao lợi thế cạnh tranh. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn lại những ưu tiên chiến lược, xác định các điểm khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên làm việc trong phương pháp vận hành mới.

Ấn phẩm mới nhất do PwC phát hành mang tên "Hậu Covid-19: Tái định hình doanh nghiệp để phát triển bền vững", mang đến những phân tích về ba mục tiêu chiến lược quan trọng và đề ra những bước cụ thể mà doanh nghiệp có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại để tái định hình mô hình kinh doanh cũng như cơ cấu về chi phí – để doanh nghiêp sẵn sàng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Thanh Hải