IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, cảnh báo nguy cơ nợ công tăng cao
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:59, 29/06/2020
Đây là mức sụt giảm nhiều hơn đáng kể so với mức giảm 3% mà IMF dự báo trong báo cáo trước đó hồi tháng 4. Bản báo cáo cập nhật của IMF nêu rõ: “Tác động kinh tế của dịch Covid-19 trầm trọng hơn các dự báo trước đó và khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại”.
Mỹ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020, thậm chí giảm sâu hơn so với dự báo trước đó khi nền kinh tế nước này sẽ giảm 5,9%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của kinh tế Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Bên cạnh đó, Mexico sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế tới 10,5%, mức tăng trưởng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone là giảm 10,2% với GDP của Đức giảm 7,8%, Pháp giảm 12,5%, Italy giảm 12,8%.
IMF cũng dự báo tăng trưởng Brazil sẽ giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 5,8%... Trung Quốc là quốc gia duy nhất được dự báo đạt tăng trưởng 1%, trong khi dự báo được đưa ra hồi tháng 4 trước đó cho thấy, GDP nước này giảm 1,2%.
Dự báo của IMF được cho là phù hợp với dự báo trước đó của Ngân hàng thế giới WB. Theo đó, tổ chức này dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,2% trong năm 2020.
Dự báo cho năm 2021, IMF cho biết, có 2 kịch bản xảy ra, cụ thể: Trong trường hợp xấu bùng phát đợt dịch mới vào đầu năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ dừng lại ở mức 0,5%; Ở kịch bản tươi sáng hơn, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng đạt mức 8,4% trong năm 2021.
IMF cho biết các điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế này phản ánh khả năng các biện pháp cách ly xã hội sẽ vẫn được áp dụng trong nửa cuối năm nay nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và hoạt động của các chuỗi cung ứng.
Với các quốc gia vẫn có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao, việc kéo dài các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến các hoạt động kinh tế.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường lao động trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những người lao động phổ thông với các công việc không thực hiện được từ nhà. Sự sụt giảm số giờ làm trong quý II/2020 tương đương với việc có hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian bị mất trên thế giới.
Đồng thời, IMF cũng cảnh báo chính phủ các quốc gia sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ công mới khi các nền kinh tế đang sử dụng các gói kích thích kinh tế quy mô khổng lồ để chống lại các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Kịch bản sơ bộ của IMF cho thấy, quy mô nợ công trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021 sẽ đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 101,5% và 103,2% quy mô GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, mức thâm hụt ngân sách bình quân trên toàn cầu sẽ chạm mức 13,9% so với quy mô GDP trong năm nay, cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa công bố Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho rằng, dường như dự báo của IMF cũng như WB vừa qua chưa tính đến việc đến thời điểm cuối quý II này, dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngay cả tại Mỹ khi một số bang bắt đầu mở cửa trở lại, hoặc Trung Quốc xuất hiện trở lại những ca bệnh từ cộng đồng tại Bắc Kinh và chính quyền đã phải phong tỏa một số khu vực của thủ đô.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn đang thảo luận về mối đe dọa của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có thể xảy ra ngay trong năm nay. Khi đó, kinh tế thế giới không những có thể giảm sâu hơn trong năm 2020 mà còn chưa thể hồi phục trở lại trong năm 2021 như trong báo cáo cập nhật lần này của IMF.