Mobile Money bùng nổ tại châu Phi
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:58, 01/07/2020
Lượng giao dịch sử dụng mobile money tăng vọt
Kể từ đại dịch Covid - 19 bùng phát, Kenya đã tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ như M-Pesa của Tập đoàn Vodafone, Airtel Kenya và Telkom Kenya để giải ngân viện trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng mobile money thay vì qua ngân hàng hay bưu kiện thực phẩm. Ghana cũng vừa bắt đầu sử dụng mobile money để bơm viện trợ cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Tiên phong bởi Safaricom của Tập đoàn Vodafone có trụ sở tại Nairobi vào năm 2007, mobile money đã trở thành một phương thức không thể thiếu cho 1,2 tỷ dân số Châu Phi khi thanh toán cho các loại hàng hóa và dịch vụ, mua gói bảo hiểm tang lễ hay vay tiền, mà không cần tới điện thoại thông minh. Tới nay, nhu cầu từ các chính phủ trong việc tìm một phương thức gửi tiền nhanh chóng và an toàn trong thời kỳ đại dịch đang nhấn mạnh vai trò ngày càng lan tỏa của dịch vụ này.
Tracy Kivunyu, một chuyên gia phân tích của Tellimer tại Nairobi, thủ đô của Kenya cho biết “Việc Chính phủ sử dụng nền tảng M-Pesa để giải ngân các khoản viện trợ đã được công nhận với tính liêm chính và minh bạch cao”.
Trong khi các quốc gia Châu Âu đang thay thế việc sử dụng tiền mặt bằng các loại thẻ thanh toán với lo ngại về vệ sinh, một số quốc gia châu Phi lại không có đủ cơ sở hạ tầng để chỉ dựa vào các sản phẩm thanh toán thẻ. Vì những hạn chế trong việc di chuyển nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19, nhiều người đang chuyển sang sử dụng mobile money để làm hình thức thanh toán thay thế. Sau khi Kenya bắt đầu đóng cửa cục bộ kể từ tháng 3, một triệu người dùng mới đã gia nhập M-Pesa, đưa số lượng đăng ký lên tới 25 triệu người, tương đương với ¾ dân số Kenya với độ tuổi trên 15.
Tại Ghana, giao dịch sử dụng mobile money đã đạt kỷ lục vào tháng 3 theo số liệu của ngân hàng trung ương, cũng như ở Zimbabwe, tình trạng thiếu tiền mặt cho thấy 90% giao dịch được thực hiện qua các phương thức số. Ngân hàng số Kuda của Nigeria cho biết số tài khoản mở mới trong tháng 4 nhiều hơn tổng số của ba tháng trước cộng lại. Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Togo - một quốc gia với 8 triệu dân đã có thể phân phối hỗ trợ tài chính khẩn cấp tới 500.000 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần sử dụng điện thoại di động.
Serigne Dioum, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính di động của Tập đoàn MTN, nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn nhất của Châu Phi cho biết: “Những thay đổi này, do Covid-19 gây ra, đã cho phép tăng tốc và nhân rộng các nền kinh tế số và không dùng tiền mặt, ủng hộ tham vọng của chúng tôi trong việc chuyển đổi sang một nền tảng đầu cuối (end-to-end) tạo ra một thị trường kỹ thuật số kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp với nhau”.
Mobile money là nguồn thu nhập đang tăng trưởng nhanh nhất cho các nhà khai thác mạng di động như MTN trụ sở tại Johannesburg và các đơn vị tại châu Phi của Tập đoàn Vodafone, Newbury, Anh Quốc. Theo thông tin của Hiệp hội Thông tin liên lạc di động toàn cầu (GSMA), khu vực miền Nam Sahara của châu Phi có nhiều tài khoản mobile money hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với khoảng 396 triệu tài khoản vào cuối năm 2018, tương đương với 46% tổng số khách hàng toàn cầu.
Peter Ndegwa, Giám đốc điều hành của Safaricom đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng thái độ miễn cưỡng sử dụng tiền mặt do tiềm ẩn khả năng lây lan virus sẽ có thể tiếp tục gia tăng và kéo dài cho tới khi các nền kinh tế phục hồi. Hiện M-Pesa đang được sử dụng bởi hơn 37 triệu người tại 7 quốc gia của châu Phi.
Cơ hội mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cuộc khủng hoảng cũng đã đẩy nhanh giai đoạn phát triển tiếp theo của M-Pesa: cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Kenya. Chuyên gia phân tích Kivunyu của Tellimer cho rằng việc mở rộng các kênh doanh thu tới các khoản thanh toán của doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ hệ sinh thái M-Pesa.
Safaricom hiện có 173.000 đơn vị đối tác có thể nhận thanh toán qua M-Pesa và sở hữu công nghệ để sử dụng nhiều dịch vụ khác ngay khi được cơ quan quản lý phê duyệt.
Ông Ndegwa cũng nói: “Xét về khía cạnh tạo công ăn việc làm, khu vực doanh nghiệp nhỏ là huyết mạch của đất nước này”. Điều đó dẫn đến sự hợp tác giữa Safaricom và Visa để tìm hiểu và phát triển các hệ thống thanh toán số nhằm tiếp tục mở rộng phạm vi tiếp cận của M-Pesa, đồng thời phù hợp với chiến lược của Safaricom trong việc hướng người dùng tới các thiết bị 4G, qua đó giúp họ tiếp cận được nhiều sản phẩm tài chính tinh vi hơn. Hầu hết người dân Kenya không có điện thoại có thể kết nối internet, do đó một nửa giao dịch chuyển tiền của M-Pesa được thực hiện qua tin nhắn văn bản.
Châu Phi – mảnh đất “màu mỡ” cho dịch vụ mobile money
Tại Ghana, bên cạnh các nhà cung cấp mạng di động, các công ty khác cũng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực mobile money, giúp giảm giá dịch vụ nói chung và tăng tính cạnh tranh của thị trường, theo Archie Hesse, Giám đốc điều hành của Hệ thống Thanh toán và bù trừ liên ngân hàng Ghana. Kosi Yankey-Ayeh, Giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia về các ngành công nghiệp quy mô nhỏ cho biết, Ghana đang giải ngân một phần của gói kích thích sau ảnh hưởng của Covid-19 trị giá 600 triệu đồng cedis (104 triệu đô la) qua mobile money.
Tập đoàn MTN bắt đầu kinh doanh dịch vụ mobile money tại Nigeria từ tháng 8, cùng với 2 công ty khác được cấp phép tiên phong là Globacom và 9Mobile, mở đầu cho một thị trường khổng lồ đã được đánh thức tại quốc gia đông dân nhất châu Phi, vốn từ trước tới nay chỉ được phục vụ bởi các ngân hàng. Uzoma Dozie, Giám đốc điều hành của Sparkle, một ngân hàng số có trụ sở tại Lagos đã bắt đầu hoạt động trong tháng này, dự kiến sẽ đạt được nửa triệu khách hàng trong 18 tháng tới.
Akinwale Goodluck, Giám đốc vùng Hạ Sahara Châu Phi của GSMA nhận định: “Đại dịch Covid-19 là thời điểm định hình cho các đơn vị cung cấp dịch vụ mobile money, chứng tỏ rằng Châu Phi có thể đi đầu thế giới trong quá trình chuyển đổi tài chính số hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt”.
(Theo thenational.ae)