Covid-19 nhấn chìm kinh tế toàn cầu

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 16:04, 01/07/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu, do thế giới đang phải chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.

 

Tại báo cáo này, GDP toàn cầu năm 2020 được dự báo sẽ thu hẹp xuống mức tăng trưởng -4,9%, thấp hơn 1,9% so với dự báo đưa ra cách đây hai tháng. Nguyên nhân cơ bản buộc IMF phải điều chỉnh giảm GDP toàn cầu là do Covid-19 đã tác động trầm trọng hơn so với kỳ vọng đến các hoạt động kinh tế trong sáu tháng đầu năm, và tiến trình phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn so với dự báo trước đây. Trong đó, mức tiêu dùng giảm thấp tại hầu hết các nước trên thế giới, do rối loạn kinh tế trong nước cao hơn so với kỳ vọng. Tiêu dùng tư nhân yếu ớt, phản ánh tác động phối hợp giữa cú sốc đối ngược đến tổng cầu bắt nguồn từ các biện pháp giãn cách xã hội và sự cố đóng cửa hàng loạt hoạt động kinh tế, trong khi người dân cũng dè dặt trong chi tiêu. Ngoài ra, hoạt động đầu tư được dự báo tiếp tục trầm lắng do các doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu vốn trong bối cảnh bất ổn tăng cao. Trong khi đó, các gói hỗ trợ chính sách chỉ bù đắp được một phần tổn thất và những rối loạn về nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước.

Theo nhận định, hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ chạm đáy trong quý II/2020, sau đó phục hồi dần. Sang năm 2021, GDP toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trở lại lên mức tăng trưởng 5,4%, thấp hơn 0,4% so với dự báo tháng 4/2020. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn 6,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 01/2020, trước khi đại dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn thế giới. Mức tiêu dùng được dự báo tăng dần từ năm 2021, và hoạt động đầu tư cũng tăng tốc, nhưng nhìn chung vẫn trầm lắng, trong đó, các hộ gia đình thu nhập thấp thuộc nhóm đối tượng chịu tổn thất nhiều nhất. Đại dịch Covid-19 gây nguy cơ xóa tan các nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên thế giới kể từ những năm 1990. 

Tại các nước phát triển, GDP được dự báo giảm xuống -8,0% trong năm 2020, thấp hơn 1,9% so với dự báo cách đây hai tháng. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm giảm sâu hơn so với kỳ vọng. Trong 6 tháng cuối năm, tốc độ phục hồi kinh tế cũng sẽ diễn ra chậm chạp, do lo ngại về khả năng đại dịch tiếp tục lây lan. Sang năm 2021, GDP tại các nước phát triển được kỳ vọng phục hồi lên mức tăng trưởng 4,8%.

Tại nhóm các nước mới nổi đang phát triển (EMDEs), GDP năm 2020 được dự báo giảm xuống mức -3,0%, thấp hơn 2% so với dự báo tháng 4/2020. Tại các EMDE thu nhập thấp, GDP năm 2020 được dự báo giảm xuống mức -1,0%, thấp hơn 1,4% so với dự báo cách đây hai tháng, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nước. Nếu không tính một số nước đứng đầu nhóm này, GDP năm 2020 tại những nước thu nhập thấp còn lại sẽ giảm xuống mức tăng trưởng -2,2%.

Tương tự như dự báo tháng 4/2020, bất ổn vẫn bao trùm dự báo này do sự phụ thuộc vào mức độ thu hẹp kinh tế trong quý II/2020 cũng như quy mô và mức độ dai dẳng của cú sốc đối ngược. Đến lượt nó, những yếu tố này phụ thuộc vào một vài yếu tố bất định cơ bản, b­ao gồm: mức độ kéo dài của đại dịch và tạm dừng hoạt động kinh tế theo yêu cầu; các biện pháp giãn cách xã hội tự nguyện sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu; khả năng chuyển dịch lao động để đảm bảo việc làm, kể cả giữa những khu vực kinh tế khác nhau; hậu quả từ việc đóng cửa doanh nghiệp và thất nghiệp có thể gây khó khăn cho tiến trình phục hồi kinh tế sau khi đại dịch suy giảm; tác động của những thay đổi để củng cố an toàn tại địa điểm lao động như bố trí các ca kíp, tăng cường vệ sinh và khử trùng giữa các ca; việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động đến năng suất, do các doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc nâng cao tính bền vững trước những rối loạn về cung ứng; nhu cầu bên ngoài yếu ớt và thiếu hụt nguồn tài trợ có thể gây tác động lan truyền giữa các quốc gia; khả năng giải quyết tình trạng gián đoạn giữa giá trị tài sản và triển vọng trong hoạt động kinh tế.

Nguồn: IMF tháng 06/2020

Vũ Xuân Thanh