Thị trường tài chính Việt Nam vượt qua sự cản đường của đại dịch Covid-19

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:49, 08/07/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đến nay, Việt Nam đã và đang đứng trong top đầu cả về chống dịch và duy trì phát triển kinh tế. Về kinh tế và thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam vẫn tăng trưởng dương ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực và nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với tư cách là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, có rất nhiều thách thức đặt ra cho Việt Nam, tuyệt đối không thể chủ quan. 

Những thành tựu vượt bức tường Covid-19 của nền kinh tế và TTTC Việt Nam 6 tháng qua

Trong suốt nửa đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp và chương trình làm việc với các ngành, các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm kịp thời mở lối tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong sản xuất, kinh doanh; về thu hút đầu tư từ trong, ngoài nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với các hoạt động nắm bắt và chỉ đạo trong thực tiễn, đến tháng 5/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới, như: Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid - 19; Nghị quyết số 68 về cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế đến tháng 5 đã vượt xa so với tháng 4/2020, như: sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tuy còn ở mức thấp, nhưng doanh số sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng tới 11,2% so với tháng 4. Trong đó có những ngành tăng khá như: hóa chất tăng 9,1%; thực phẩm tăng 3,3%; xuất khẩu trong tháng 5 ước tính doanh số đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với đà giảm sâu của tháng 4 và tháng 6 tiếp tục tăng mạnh, đã tạo đà cho tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt mức xuất siêu tới 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020. Cùng với đó, hầu hết các dự án, công trình đều đã được triển khai sát tiến độ, một số dự án quan trọng đã được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư công để tạo lực hút vốn từ TTTC, nhờ đó vốn đầu tư công thực hiện 6 tháng đã tăng 19,6% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua(1).

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đến thời điểm ngày 30/6/2020 đã dần phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 giảm 0,03% so với tháng 4, tháng 6 tăng nhẹ 0,66%. Tính chung 6 tháng, CPI bình quân tăng 4,19% so với cùng kỳ, dù cao nhất trong vòng 5 năm qua nhưng CPI bình quân đang có xu hướng giảm dần từ mức tăng tới 6,54% trong tháng 1/2020, thì đến hết tháng 6/2020 đã giảm xuống chỉ còn 4,19% so với cùng kỳ 2019, là mức tiệm cận trong vùng mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%). Đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt; tỷ giá căn bản ổn định.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí ở TP. Hồ Chí Minh ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết: Việc hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành Ngân hàng đã diễn ra rất khẩn trương theo đúng chỉ đạo của NHNN. Sau hơn 2 tháng triển khai, đến giữa tháng 6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng; cho vay mới theo lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 (ngày có ca mắc dịch đầu tiên tại nước ta) đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng với lãi suất thấp hơn mức phổ biến từ 0,5 đến 2,5%/năm so với trước dịch. Mặc dù vậy, do nên khả năng hấp thụ vốn của toàn nền kinh tế chưa thể đạt tốc độ bình thường. Tính đến giữa tháng 6/2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng mới đạt 2,13%, chỉ bằng 1/2 so với tốc độ tăng cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều NHTM cổ phần đã đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí cao hơn cùng kỳ 2019, như: OCB tăng trưởng tới 8,76% so với đầu năm; SHB tăng 9,88%; HDBank tăng 8%, Sacombank tăng 4,8%; Đặc biệt, chỉ sau 4 tháng đầu năm, TPBank đã tăng tới gần 11% so với đầu năm 2020... Hầu hết đó là những NHTM cổ phần đã đáp ứng mức tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II(2). Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đạt trên 122.200 tỷ đồng, bằng 25,98% kế hoạch giao (cùng kỳ đạt 23,25%), trong đó giải ngân vốn nước ngoài có xu hướng phục hồi trở lại, đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách 5 tháng đầu năm đã cao hơn cùng kỳ năm trước ngay trong bối cảnh chống dịch (3)

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến nay cũng đã sôi động hơn nhờ những nỗ lực của các cấp và xã hội đã căn bản kiểm soát được dịch Covid -19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới. Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước, đặc biệt từ các nhà đầu tư thế hệ mới (F0) đã góp phần giúp TTCK Việt Nam khởi sắc. Việc kiểm soát dịch bệnh rất tốt ở Việt Nam, sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các cơ chế tháo gỡ ách tắc, các chính sách tài khóa và tiền tệ minh bạch cùng kỳ vọng về sự dịch chuyển địa bàn sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam đã củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Theo đó, trái với những dự báo có phần thận trọng, TTCK đã có diễn biến rất tích cực từ tháng 5. Các quỹ ETF mới đang thu hút vốn ngoại. Đây là điểm sáng trong thời gian này về dòng tiền nước ngoài. Tháng 5 năm nay, thị trường lại tăng điểm.

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh kèm theo việc mở cửa dần trở lại các địa điểm công cộng, các cơ sở kinh doanh, các chính sách khuyến khích hướng nội, phát triển nhiều hình thức dịch vụ tài chính mới thời Covid, đã và đang tạo tâm lý tốt hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam. Lượng nhà đầu tư tìm đến các công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch đã tăng vọt.

Về mặt chính sách, cùng chung xu hướng của nhiều nước trên thế giới nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, ngày 12/5, NHNN đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và là lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua. Đến thời điểm sau 6 tháng đầu năm 2020, nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn được duy trì ổn định - lạm phát được kiểm soát; nền kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt con số 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ở khu vực trong nước đạt khá cao. Cán cân thanh toán được cải thiện; dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai sâu rộng và hiệu quả (8).

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch mới đưa ra gần đây đã khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp so với GDP và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu tốt. IMF nhận định, trong năm 2020 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể chậm lại ở mức tăng 2,7%, nhưng ngay ở mức này vẫn là mức tăng cao nhất khu vực châu Á, càng cao khi so với mức dự báo cũng của chính IMF về kinh tế Mỹ giảm 7%, kinh tế khối Cộng đồng châu Âu giảm 4,9%, kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tăng 1% trong năm 2020 và kinh tế toàn cầu giảm sâu tới trên 5% trong năm 2020.

Cũng theo dự báo của IMF, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi nhanh và có thể đạt mức tăng GDP tới 7% vào năm 2021. Đồng quan điểm trên, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra dự báo: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt xung quanh 7% khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục kéo theo xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh trở lại. Theo đó, Fitch đã giữ nguyên hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB(4).

Những thách thức đối với TTTC và nền kinh tế Việt Nam

Sự bùng phát của dịch bệnh đã tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các NHTM đạt 162.700 tỷ đồng, trong khi cho vay chỉ đạt khoảng 108.200 tỷ đồng, tạo sự dư thừa nguồn vốn khá lớn. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 24/6/2020, các bộ, ngành, địa phương mới phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nước ngoài đạt hơn 85% (48.286 tỷ đồng)(5).

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 ngày 25/6/2020, ông Trương Hùng Long Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cho biết: “Hầu hết các hoạt động của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với các yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đến cả chỉ định đồng tiền thanh toán... nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá cả và tiến độ thực hiện dự án”. Phát đi từ Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương ngày 2/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ: “Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Còn gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, số vốn cần giải ngân trong năm nay, nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, các địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này”. Về thị trường bảo hiểm, tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 51.395 tỷ đồng, tăng 14,5% (so với cùng kỳ năm 2019).

Đặc biệt bắt đầu từ quý II/2020 hoạt động xuất - nhập khẩu của nước ta đã ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức khi mà nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi phải chịu sự tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn đang ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông và cả Châu Á là những bạn hàng truyền thống lớn của ta chưa được kiểm soát, thậm chí trong đó nhiều nước đang có dấu hiệu tái bùng phát từ giữa tháng 6/2020 buộc các nước đó phải áp dụng các biện pháp hạn chế việc làm, đi lại, mua sắm...Trong bối cảnh này, các quốc gia đều phải tăng cường các biện pháp hạn chế nói trên lại dẫn đến giá hàng hóa chắc chắn đã và đang sụt giảm mạnh sẽ tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ, trong 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu nhân điều giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2019, cà phê giảm 2,2%, chè giảm 13,1%, hạt tiêu giảm 19%. Đặc biệt, tính đến ngày 27/4/2020, giá dầu thô WTI đã giảm mạnh tới 77,3% (tương ứng giảm 53,46 USD/thùng) so với đầu năm 2020, xuống còn 15,72. Thực tế trên đã gây áp lực lên tỷ giá (7).

Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế và TTTC Việt Nam

Một là, để xử lý tình trạng thừa nguồn trên thị trường tín dụng Ngân hàng hiện nay, nhất là các NHTM giảm lãi suất huy động xuống mức đủ thực dương (cao hơn lạm phát khoảng từ 1 đến 1,5%) để tạo cơ sở cho việc giảm mạnh lãi suất cho vay xuống mức lớn hơn lãi huy động bình quân cùng kỳ hạn khoảng 2,5 đến 3% để tiết kiệm chi phí và có lợi nhuận ở mức dương thấp/hoặc không âm nhằm chia sẻ khó khăn với nền kinh tế và cũng là để đối phó với tình trạng thừa vốn cho chính các NHTM.

Hai là, vì vốn trên thị trường 2 đang rất dồi dào nên NHNN không cần phải đưa ra thêm bất kỳ biện pháp nào liên quan đến kích thích nới lỏng tiền tệ nữa. Ngược lại, cần giữ ổn định lãi suất điều hành đã đủ thấp cả ở thị trường mở OMO, cả trên thị trường liên ngân hàng và ổn định tỷ giá trong giai đoạn hiện tại tạo điều kiện để hút dòng vốn ngoại rẻ vào Việt Nam. Theo đó, trong những tháng cuối năm 2020, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hướng vào mục tiêu phục hồi nền kinh tế đất nước cũng tức là phục hồi TTTC.

Ba là, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, cần phải có những giải pháp đồng bộ tìm đường mở rộng thị trường quốc tế đồng thời thúc đẩy sự hồi phục mạnh ở thị trường trong nước để kích cầu tiêu dùng nội địa. Muốn vậy, cần cải tiến mạnh các hoạt động trao đổi, đàm phán về hàng hóa, giá cả, thanh toán...qua con đường trực tuyến gián tiếp và sử dụng các phương tiện cách ly khi phải trực tiếp tiếp xúc lúc trao hàng, chuyển hàng hóa cho đối tác ở những quốc gia có dịch. Ngay với những hoạt động trao đổi thương mại trong nước cũng cần tăng cường áp dụng các hình thức trực tuyến và phát triển mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, vừa thuận cho việc tránh dịch trước mắt, vừa phát triển theo xu hướng thanh toán hiện đại sau dịch.

Bốn là, cần cân nhắc kỹ mọi dự án vay ODA, tiến tới sớm đoạn tuyệt với hình thức “ban ơn” để tìm địa chỉ, tạo thị trường tiêu thụ các hàng hóa, nguyên vật liệu, thậm chí cả lao động ngoại của chính quốc gia cho vay ODA với giá cắt cổ/hoặc liên tục điều chỉnh tổng dự toán cả về chi phí lẫn thời gian tăng từ vài lần đến hàng chục lần so với con số ký kết ban đầu như những dự án mà Việt Nam đã và đang từng phải gánh chịu. Nếu còn nhận ODA thì chỉ dành vào các dự án dễ dàng đo, đếm được hiệu quả cả về giá trị và thời gian minh bạch ngay từ đầu, như các dự án trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, dạy nghề, nghiên cứu khoa học...Và ngay với những loại dự án này cũng cần có lộ trình sớm chấm dứt để chuyển sang các hình thức liên kết, liên doanh và/hoặc các quan hệ vay - trả - thuê theo cơ chế thị trường sòng phẳng.

Tóm lại: Hình ảnh về phát triển TTTC - kinh tế - xã hội trong bối cảnh khắc phục đại dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ví sức tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm ba cấu phần quan trọng nhất, đó là: Đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" quan trọng này để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất (8). Trong cỗ xe tam mã này Thủ tướng cũng chỉ rõ vai trò của TTTC là một trong ba cấu phần và là cấu phần số 1 tham gia vào tính quyết định của sự thành hay bại của cuộc chiến chống dịch mà vẫn đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô Việt Nam - sẽ kéo theo ổn định và phát triển TTTC, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch nguy nan này.

Ghi chú:   

(1) Bản tin thời sự VTV1 tối ngày 29/6/2020

(2) Báo Nhịp sống Doanh nghiệp, ngày 16/6/2020

(3) Báo điện tử của Chính phủ ngày 02/06/2020

(4) Thời báo tài chính ngày 12/5/2020

(5) Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ - HHNH, 26/6/2020

(6) Thông tin từ Thời báo Tài chính, ngày 5/6/2020

(7) Báo điện tử của Bộ Tài chính ngày 8/5/2020

(8) Cổng Thông tin chính phủ đưa tin từ Hội nghị trực tuyến của chính phủ, Thủ tướng chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 2/7/2020.

TS.Nguyễn Đại Lai