Ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành Ngân hàng sẽ rõ hơn trong nửa cuối năm 2020

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 16:04, 09/07/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại dịch Covid-19 đã khiến các khoản nợ quá hạn đã tăng lên, một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng... Trong bối cảnh đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo nợ xấu có thể tăng cao hơn trong nửa cuối năm 2020.

 

Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm vừa công bố của VNDIRECT cho biết, 25% dư nợ tín dụng toàn ngành là các khoản vay được tái cơ cấu, miễn giảm lãi hoặc cho vay với lãi suất thấp hơn, trong đó: nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 2%; dư nợ được miễn giảm lãi chiếm 14% và vay mới với lãi suất thấp hơn chiếm 9%.

Tính đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 2,13%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức thấp nhất trong 6 năm. Tính đến cuối tháng 5/2020, tăng trưởng huy động cũng chỉ đạt 1,85%.

Bất chấp việc tín dụng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia VNDIRECT tin rằng, tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi trong 6 tháng cuối năm và đạt mức 9% cho năm 2020.

Niềm tin này được dựa trên các yếu tố, gồm: Việc cắt giảm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất điều hành giúp giảm lãi suất cho vay, khuyến khích doanh nghiệp vay mới; Các doanh nghiệp khởi động lại việc sản suất kinh doanh sau khi Việt Nam đã gỡ bỏ các lệnh giới hạn trong nước và các nước cũng bắt đầu mở cửa biên giới; Thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo ra việc làm mới cho doanh nghiệp và người lao động, do đó tạo ra nhu cầu tín dụng mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu còn diễn biến phức tạp, hầu hết các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế đạt được trong năm 2019, trong đó, các ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu cao hơn các NHTM có vốn nhà nước.

Nhu cầu tín dụng thấp dẫn đến tăng trưởng cho vay và huy động thấp trong toàn ngành. Một số ngân hàng đạt được tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành nhờ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu được lên kế hoạch từ 2019.

 

Theo VNDIRECT, đại dịch Covid-19 có tác động nhiều mặt đến hoạt động của ngân hàng, cụ thể: lãi suất huy động giảm sau 2 lần hạ lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm, dẫn đến NIM của nhiều ngân hàng đi ngang hoặc giảm nhẹ; thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu giảm tốc; lợi nhuận ròng giảm tại các ngân hàng có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp cao.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các khoản nợ quá hạn đã tăng lên. Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, trong khi các ngân hàng khác vẫn trích lập dự phòng thấp nhằm duy trì lợi nhuận. Vì vậy, tỷ lệ dự phòng/nợ xấu tại các ngân hàng này đã giảm tại cuối quý I/2020.

“Nợ xấu có thể tăng cao hơn so với quý I/2020 do: Các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được thực hiện vào tháng 4/2020 và ngân hàng hiện có thể tái cơ cấu nợ mà không phân loại nợ vào nhóm có rủi ro hơn”, VNDIRECT nhận định.

 

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất và tái khởi động các chương trình mua trái phiếu đặc biệt, được gọi là “gói nới lỏng định lượng” (QE). Theo ước tính của Fitch Rating, tổng quy mô các gói kích thích tài khóa lên tới khoảng 5 nghìn tỷ USD (tương đương 7% GDP toàn cầu), vượt qua quy mô gói kích thích trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Với những diễn biến trên toàn cầu thời gian qua, giới chuyên môn kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2020 khi các nền kinh tế lớn bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch, dẫn đến tăng nhu cầu với các sản phẩm của Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đang cho thấy những bước đi quyết liệt nhằm đẩy nhanh đầu tư công trong nửa cuối năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, báo cáo vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT hy vọng: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có thể giảm lãi suất điều hành xuống 0,25-0,5% trong 6 tháng cuối năm 2020”.

Với lạm phát bình quân năm 2020 dự báo ở mức 3,2%, cùng với đó là giá thịt lợn/thực phẩm dự kiến cũng sẽ giảm… các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng: “Các yếu tố này sẽ tạo dư địa để nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2020”.

Theo VNDIRECT, thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ duy trì trong năm 2020, ở mức 2,6% GDP. Dự trữ ngoại hối được cải thiện sẽ hỗ trợ sự ổn định của tiền đồng. Trên cơ sở đó, VNDIRECT dự báo: “Tỷ giá USD/VND cuối năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 23.300- 23.600 đồng”.

Ngô Hải