Nhìn lại hoạt động đấu giá cổ phần tại HOSE

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 16:52, 13/07/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kể từ phiên đấu giá cổ phần đầu tiên tháng 2/2005, tới nay Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đã tổ chức trên 550 phiên đấu giá, với trên 6.838 triệu cổ phần và trên 140 triệu quyền mua cổ phần được chào bán, trong đó bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, thu về hơn 228.463 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bán đấu giá.

Ngày 16/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, theo đó một số công ty thành viên của các tổng công ty nhà nước và một số tổng công ty nhà nước quy mô lớn đã trở thành đối tượng để cổ phần hóa. Điểm mới quan trọng để khởi đầu hoạt động tổ chức bán đấu giá qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán trong Nghị định này là quy định việc doanh nghiệp cổ phần hoá có khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng thì tổ chức bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Để triển khai quy định của Chính phủ, HOSE tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần đầu tiên cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào ngày 17/02/2005 với tổng số lượng bán đấu giá thành công 1.827.000 cổ phần với giá trị cổ phần bán được đạt 572 tỷ đồng. Cuộc bán đấu giá Vinamilk đánh dấu bước khởi đầu cho việc phát triển hoạt động đấu giá cổ phần tại Sở GDCK Tp.HCM, thu hút nhiều doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư lớn tham gia. Cũng từ đây, các doanh nghiệp cổ phần hóa trở thành động lực phát triển của thị trường cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam.

 

 

Trong 15 năm qua, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã tổ chức trên 550 phiên đấu giá, với trên 6.838 triệu cổ phần và trên 140 triệu quyền mua cổ phần được chào bán, trong đó bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 228.463 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bán đấu giá. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hơn 15 năm qua, hoạt động bán đấu giá cổ phần đã trải qua nhiều biến động cùng thăng trầm của thị trường chứng khoán thể hiện qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 2005 - 2010

Từ năm 2005 – 2007, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 29/12/2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1729/QĐ-TTg, theo đó 71 đơn vị kinh tế sẽ được tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn 2007-2010.

Bắt đầu từ tháng 4/2007, mô hình tổ chức đấu giá được thực hiện theo hai cấp và khắc phục được hạn chế của mô hình một cấp trước đây giúp nhà đầu tư thay vì phải tập trung tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán để bỏ phiếu tham dự có thể bỏ phiếu thông qua hệ thống đại lý là các công ty chứng khoán thành viên với mạng lưới trải dài từ Bắc vào Nam, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tiếp cận thông tin và tham gia đấu giá. Thành quả đạt được thể hiện qua việc hoạt động đấu giá diễn ra sôi nổi tại Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh với số phiên đấu giá thành công lần lượt là 34 phiên vào năm 2005, 81 phiên vào năm 2006 và 78 phiên vào năm 2007 (trong đó năm 2005 có 18 phiên cổ phần hóa, năm 2006 có 59 phiên cổ phần hóa và năm 2007 có 55 phiên cổ phần hóa). Trong 3 năm này, có những đợt đấu giá số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia lên đến hàng ngàn như đợt đấu giá cổ phần của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, Công ty Vận tải Dầu khí, Công ty Phân đạm & Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam...

Giai đoạn 2008 -2009 là giai đoạn khủng khoảng kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sụt giảm mạnh. Vì vậy, hoạt động bán đấu giá cổ phần tại HOSE khá trầm lắng. Số phiên đấu giá thành công sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước đó.

Năm 2010 là năm cuối để các đơn vị được phê duyệt theo Quyết định 1729/QĐ-TTg thực hiện cổ phần hóa nên đã có một số đợt đấu giá có quy mô tương đối lớn được tổ chức thành công tại HOSE như bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Điện Gia Lai.

Giai đoạn 2011- 2015

Thời gian này, tuy nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng năm 2011, HOSE đã tổ chức thành công hai cuộc bán đấu giá quy mô lớn như chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty Miền Trung (Cosevco) và Ngân hàng MHB.

Đây cũng là giai đoạn hoàn thiện cơ bản hành lang pháp lý chi phối hoạt động đấu giá với nhiều văn bản pháp quy được đưa vào áp dụng như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 15/09/2014 hướng dẫn việc thoái vốn, bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước phải gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thành quả đạt được thể hiện qua số cuộc đấu giá thành công của HOSE vào năm 2014 là 45 cuộc và 50 cuộc vào năm 2015 (trong đó năm 2014 có 13 phiên thoái vốn nhà nước và 29 phiên cổ phần hóa; năm 2015 có 10 phiên phiên thoái vốn nhà nước và 40 phiên cổ phần hóa) với những thương vụ bán đấu giá cổ phần hóa thành công của những ông lớn như Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Công ty mẹ - Tổng Cty Hàng không Việt Nam (HVN), Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); và thoái vốn nhà nước theo lô Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông số 5 – CTCP, các công này sau đó đã tiến hành đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên các Sở GDCK.

Giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2016 - 2017: Đây là giai đoạn cơ chế, chính sách về thoái vốn, cổ phần hóa đã được xây dựng tương đối đầy đủ và nhận được sự đồng thuận quyết liệt trong từng doanh nghiệp, từng cá nhân lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thể hiện qua những thương vụ bán đấu giá lớn giúp Nhà nước thoái vốn hàng ngàn tỷ đồng như hai thương vụ Vinamilk trị giá hơn 20.276 tỷ đồng trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua gần 9.000 tỷ đồng và thương vụ Sabeco trị giá hơn 110.000 tỷ đồng.

Năm 2018 đã đánh dấu sự bùng nổ các thương vụ IPO lớn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nổi bật là IPO của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn trị giá 5.566 tỷ đồng trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 3.277 tỷ đồng, IPO của Tổng công ty Dầu Việt Nam trị giá 4.177 tỷ đồng đồng trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 1.357 tỷ đồng. Năm 2018 cũng ghi nhận IPO của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thu về hơn 1.311 tỷ đồng, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam thu về hơn 1.160 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay bối cảnh kinh tế chính trị trong và ngoài nước diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các yếu tố khác đã tác động không thuận lợi đến thị trường chứng khoán nói chung và hoạt đấu giá tại Sở GDCK TP.HCM nói riêng, dự kiến trong thời gian tới khi Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cùng với việc phương thức Dựng sổ (book-building) chính thức đi vào thực tế được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới cho hoạt động đấu giá tại Sở GDCK Tp.HCM.

Có thể khẳng định, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã góp phần tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 31/12/2019, trong số 379 doanh nghiệp niêm yết tại HOSE có 160 doanh nghiệp là công ty nhà nước cổ phần hóa (chiếm 42%), trong đó rất nhiều doanh nghiệp luôn được nhắc đến như lá cờ đầu trong việc áp dụng mô hình quản trị công ty hiệu quả, hiện đại hướng đến phát triển bền vững trong thời đại kinh tế mới như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Dược Hậu Giang, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam…

Lê Anh