Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa nên ban hành nghị định về bảo hiểm vi mô
Tin tức - Ngày đăng : 09:28, 14/07/2020
Toàn cảnh phiên họp |
Trình bày Tờ trình về việc xem xét và cho ý kiến đối với việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội là cần thiết bởi các lý do sau: Tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý bền vững, mở rộng việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sau thời gian thực hiện thí điểm; Tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được xây dựng với các nội dung, gồm: Quy định về tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô; Quy định về hoạt động bảo hiểm vi mô; Quy định về tài chính đối với bảo hiểm vi mô; Quy định về hỗ trợ, tài trợ phát triển bảo hiểm vi mô; Quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm; Quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ thể thực hiện là tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các doanh nghiệp đang triển khai loại hình bảo hiểm này, thì chỉ duy nhất có Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thuộc các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện thí điểm (từ năm 2014) trên cơ sở Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Hoạt động bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang được thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố với 2 sản phẩm: tương trợ vốn vay; tương trợ y tế và nhân thọ; đối tượng tham gia chủ yếu là thành viên của Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) nên chưa mang tính phổ quát .
“Do đó, việc Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với việc ban hành Nghị định để quản lý hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội là thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn việc triển khai thí điểm trên cơ sở công văn của Văn phòng Chính phủ là chưa phù hợp”, bà Thúy Anh nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hoạt động bảo hiểm thương mại và Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế quy định về bảo hiểm mang tính chất xã hội.
Về bản chất, bảo hiểm vi mô có tính chất thương mại nhưng Tờ trình của Chính phủ xác định là bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận do sự khác nhau về các chủ thể thực hiện, đối tượng tham gia, mức phí thấp và chưa có luật quy định là chưa thực sự thuyết phục, chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo rà soát, đánh giá về tính thống nhất của dự thảo Nghị định với các văn bản pháp luật về dân sự, tài chính, bảo hiểm, các luật và Điều lệ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và pháp luật khác có liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung của dự thảo Nghị định chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu căn cứ để đánh giá tổng thể về: tài chính, hiệu quả xã hội, xử lý rủi ro, quyền lợi của người tham gia. Đặc biệt đối với vấn đề trách nhiệm, uy tín của tổ chức chính trị - xã hội khi triển khai bảo hiểm vi mô trên diện rộng.
Do đó, căn cứ vào kết quả phiên họp thẩm tra, ý kiến tham gia thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ: “Trước mắt, chưa nên ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô như Chính phủ đề xuất”.
Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải bảo đảm: thủ tục pháp lý và hình thức văn bản cho phép thí điểm; có công cụ, phương thức để quản lý, thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ tổ chức chính trị - xã hội khi triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động để đề xuất bổ sung nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên họp |
Dù đánh giá chính sách tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô rất cần thiết đối với các đối tượng nhân ái, những người nghèo nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với đề xuất thời điểm này chưa nên ban hành Nghị định này vì thiếu căn cứ pháp lý.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm mà bảo hiểm vi mô cũng là một loại trong danh mục kinh doanh bảo hiểm. Đây không phải chính sách mới cần phải ban hành nghị định. Hơn nữa, trong Tờ trình của Chính phủ cho biết việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xác định điều kiện để cho các tổ chức chính trị- xã hội làm bảo hiểm vi mô còn thiếu cơ sở pháp lý, bất cập và tính khả thi không cao.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên ban hành Nghị định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát lại căn cứ pháp lý, việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô; khống chế ở số tỉnh đã làm thí điểm, số sản phẩm đã triển khai; nếu hiệu quả thì tiếp tục, nếu không hiệu quả thì thu hồi dần hoạt động.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung các quy định cần thiết về bảo hiểm vi mô trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm.