Sự phát triển của công ty niêm yết trên HOSE qua 20 năm

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 10:58, 20/07/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết điểm lại những nét nổi bật về sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong 20 năm qua.

Phát triển vượt bậc số lượng công ty niêm yết và chứng khoán niêm yết

Ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên với hai mã cổ phiếu là REE và SAM, đánh dấu một bước tiến quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2000 -2005, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đến năm 2006, với các chính sách, sự kiện quan trọng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng như: Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO; chính sách ưu đãi ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp niêm yết trong 2 năm kể từ khi lên niêm yết; Luật chứng khoán ra đời cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã tạo một khung pháp lý vững chắc cho thị trường… đã tạo ra một làn sóng lên sàn ồ ạt của các công ty cổ phần. Số doanh nghiệp niêm yết mới trong năm 2006 tăng gấp hơn 2 lần so với con số của 5 năm trước cộng lại (74 cổ phiếu lên giao dịch), đạt đỉnh điểm là năm 2010 với 81 công ty mới lên niêm yết.

Giai đoạn tiếp theo, số lượng công ty lên niêm yết không cao như giai đoạn trước nhưng khối lượng cổ phiếu lên niêm yết tăng lên đáng kể với những doanh nghiệp lớn đầu ngành, quy mô vốn lớn chào sàn như: GAS (2012); BID (2014); PLX (2017); VHM, POW (2018); HVN, GVR (2019).

Tính đến ngày 31/12/2019, bên cạnh 378 cổ phiếu, HOSE còn niêm yết và giao dịch 3 chứng chỉ quỹ, 2 ETF, 43 trái phiếu và 37 chứng quyền có bảo đảm (tương đương gần 85,4 tỷ chứng khoán).

 

Quy mô thị trường đến ngày 31/12/2019

Quy mô niêm yết

Theo thống kê, trong tổng số 378 doanh nghiệp niêm yết, có 19 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng (chiếm 5%) (chủ yếu thuộc nhóm ngành Tài chính, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu), 97 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn điều lệ từ 1000 – 10.000 tỷ đồng (chiếm 26%) và 262 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn điều lệ dưới 1000 tỷ đồng (chiếm 69%). Đặc biệt, cuối năm 2019, HOSE chấp thuận niêm yết cho 4 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (GVR).

Quy mô vốn hóa

 

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt 3,28 triệu tỷ đồng, tương đương gần 54,3% GDP, chiếm hơn 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước. Có 23 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD (chủ yếu thuộc nhóm Tài chính – Ngân hàng và Bất động sản), tổng vốn hóa của các doanh nghiệp này chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE.

Phân chia theo các ngành, lĩnh vực chiếm tỷ lệ trọng yếu, giá trị vốn hóa cụ thể như sau:

Ngành

Giá trị vốn hóa (tỷ đồng)

Tỷ trọng/ Tổng GTVH thị trường cổ phiếu (%)

1. Tài chính, ngân hàng

953.804

29,08

2. Bất động sản

894.348

27,26

3. Công nghiệp

280.548

8,55

4. Tiêu dùng thiết yếu

509.546

15,53

5. Nguyên vật liệu

121.403

3,7

6. Ngành, lĩnh vực còn lại

519.961

15,86

                                                                                               (Nguồn: HOSE)

Tăng trưởng về vốn của công ty niêm yết

Nếu như giai đoạn 2000 – 2004, huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hầu như không đáng kể thì giai đoạn từ năm 2005 đến nay, hoạt động này khởi sắc hơn rất nhiều. Kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã thực hiện 1.748 đợt phát hành để huy động vốn, trả cổ tức, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với gần 48 tỷ cổ phiếu được phát hành thêm. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt mức tăng trưởng tích cực, có 834 đợt phát hành để huy động vốn (phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ), tổng số tiền huy động được từ các đợt phát hành này gần 298.000 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường, vốn điều lệ tại ngày 31/12/2019 của trung bình mỗi doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đã tăng khoảng 110% so với vốn điều lệ tại thời điểm niêm yết lần đầu..

Tình hình huy động vốn của các công ty niêm yết phân theo ngành như sau:

Ngành

Số lượng cổ phiếu phát hành để huy động vốn (tỷ cổ phiếu)

Số tiền thu được

(tỷ đồng)

1. Tài chính, ngân hàng

9,57

112.000

2. Bất động sản

3,56

57.780

3. Công nghiệp

3,03

46.836

4. Tiêu dùng thiết yếu

2,1

36.000

5. Nguyên vật liệu

1,38

17.800

6. Ngành, lĩnh vực còn lại

0,98

17.600

                                                                                                             (Nguồn: HoSE)

Lĩnh vực tài chính ngân hàng có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thông tin minh bạch. 3 ngân hàng bao gồm BID, CTG và VCB huy động được gần 75.000 tỷ đồng, góp phần làm tăng lần lượt 143%, 230% và 303% vốn điều lệ so với thời điểm niêm yết lần đầu.

Ở các lĩnh vực khác: VIC, FLC, KDH (lĩnh vực bất động sản), GMD, ITA (lĩnh vực công nghiệp), MSN (lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu), HPG (lĩnh vực nguyên vật liệu) là những doanh nghiệp thu về số tiền ấn tượng từ huy động vốn. 

Sau 20 năm phát triển thị trường chứng khoán, khả năng tiếp cận những nguồn vốn trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết ngày càng nâng cao, giúp giảm áp lực cho kênh tín dụng ngân hàng. Năm 2019, các thương vụ bán vốn lớn thành công (SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào VIC; khoản đầu tư của GIC và Mizuho 265 triệu USD vào VCB; Keb Hana Bank đầu tư 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần của BID) đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp duy trì dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh cổ phiếu, lượng vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết có nhiều diễn biến tích cực trong 3 năm gần đây đây. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tổ chức phát hành chủ yếu đến từ các ngành bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu. Trong năm 2018, HOSE đã cấp quyết định niêm yết cho 13 trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng TPDN được đưa vào giao dịch tăng khoảng 70% so với năm 2017 (tương đương giá trị gần 21.000 tỷ đồng). Năm 2019, hoạt động này trầm lắng hơn, với 13 trái phiếu đưa vào giao dịch tương đương giá trị hơn 14.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp niêm yết ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động

Hoạt động công bố thông tin

Chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin, các vi phạm về minh bạch thông tin mà cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin đã giảm rõ rệt.

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Số công ty vi phạm

115

112

110

102

87

BCTC

114

131

64

89

64

QTCT và BC thường niên

41

54

32

30

15

                                                                                                         (Nguồn: HoSE)

Ngoài ra số lượng DNNY chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng tăng lên, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp quy mô lớn, có đối tác nước ngoài. Tính đến năm 2019, có khoảng gần 10% các DNNY công bố thông tin Báo cáo thường niên và tài liệu Đại hội cổ đông bằng tiếng Anh (theo Báo cáo đánh giá Quản trị công ty DNNY 2019).

Chất lượng quản trị công ty (QTCT) cũng dần được cải thiện

Các công ty đã dần tiến đến thực hiện các thông lệ tốt về quản trị công ty. Năm 2018 có 133 DN thuộc nhóm QTCT mức cơ bản, sang năm 2019 một số lượng lớn các DN này đã dịch chuyển lên các vị trí cao hơn, chỉ để lại 69 DN thuộc nhóm cơ bản. Số lượng DN thuộc nhóm có QTCT đi đầu tăng từ 17 DN (năm 2018) lên 35 công ty (năm 2019).

Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đóng góp rất nhiều gương mặt trong top 1000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2018 (do Tổng cục thuế công bố tháng 10.2019). Top 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất có đến 5 công ty niêm yết bao gồm GAS, VCB, TCB, VNM, BID. Căn cứ theo số liệu tại Báo cáo tài chính Q4.2019 của doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, tổng số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp năm 2019 là xấp xỉ 54.757 tỷ đồng. Trong đó VIC, VHM, NVL, VCB, GAS, TCB, VNM, BID, MBB, HPG, MWG, SAB, HVN, PLX là những doanh nghiệp có mức nộp thuế TNDN trong năm 2019 hơn 1.000 tỷ đồng.

Các số liệu thống kê nêu trên ­là minh chứng rõ rệt khẳng định vai trò kênh huy động và phân bổ vốn của thị trường chứng khoán, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nguyễn Loan