Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Phú Thọ
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:52, 23/07/2020
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, mục tiêu của Hội nghị nhằm tiếp tục lắng nghe, đối thoại, trao đổi thông tin giữa ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm ngành Ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là dịp để NHNN thông tin tới người dân, doanh nghiệp, Hiệp hội, các sở ban ngành tại Phú Thọ về tổng thể các giải pháp của ngành Ngân hàng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; giải đáp các vướng mắc (nếu có) và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.
Gần 1 triệu khách hàng được hưởng lợi từ Thông tư 01
Số liệu được Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng đưa ra tại hội nghị cho thấy, sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt, đến ngày 13/7/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng, với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng, với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng, cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154 nghìn khách hàng, với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng, với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng; cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại hội nghị |
Còn trên địa bàn Phú Thọ, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết, các ngân hàng, TCTD đã giảm lãi suất từ 0,3-3%/năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để đồng hành, chia sẻ khó khăn cho 2.561 khách hàng, với dư nợ 6.750 tỷ đồng, chiếm 10,2%/tổng dư nợ trên địa bàn, tổng số tiền lãi đã giảm là 38 tỷ đồng; doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lũy kế từ ngày 23/1/2020 là 5.401 tỷ đồng, với 1.982 khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước tác động của dịch bệnh, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên các TCTD cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Có thể kể đến như: tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD; nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới…
Sớm ban hành các nội dung sửa đổi của Thông tư 01
Phát biểu tại hội nghị, ông Vi Mạnh Hùng, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ ghi nhận sự nỗ lực chung tay của ngành Ngân hàng nói chung và các NHTM trên địa bàn nói riêng đã có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ cũng mong muốn lãnh đạo NHNN tiếp tục có biện pháp giải pháp điều chỉnh cơ chế chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn đầu tư cho doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi cho vay vốn sau đại dịch cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng. Đồng thời, xem xét kéo dài hiệu lực Thông tư 01 đến hết năm 2020.
Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết, do tác động của dịch bệnh, trong quý I/2020, doanh thu của các đơn vị giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của các đơn vị lữ hành và các đơn vị vận tải du lịch từ tháng 2/2020 đến hết tháng 4 không phát sinh; đơn vị lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 10-20% do còn lượng khách ở dài hạn và đã có hợp đồng từ trước ngày 28/3; các đơn vị nhà hàng chỉ đạt khoảng 10% doanh thu do có khách đặt mang đến phục vụ tại nhà.
Cùng chung quan điểm, bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty giống vật tư công nghệ cao Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong 20 năm qua, chưa năm nào công ty khó khăn như vậy. Toàn bộ hoạt động thử nghiệm giống tại 40 địa phương bị ngưng trệ do giai đoạn giãn cách nên ảnh hưởng năng suất, thiên tai mưa, giông lốc khiến 2/3 diện tích tại các điểm sản xuất ở miền Trung mất trắng.
“Chúng tôi được đối tác là Agribank rất chia sẻ, đồng hành, vận dụng linh hoạt các gói hỗ trợ, thủ tục… tạo điều kiện có lợi cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo tuân thủ các điều kiện. Lãi suất giảm xuống 5,5%, các thủ tục thanh toán, giải ngân được hỗ trợ nhanh gọn”, bà Lan chia sẻ.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bà Lan kiến nghị: “NHNN sớm ban hành các nội dung sửa đổi của Thông tư 01. Các NHTM tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ kéo dài đến hết 2020 và giảm thêm lãi suất”.
Trong khi đó, ông Sơn đề nghị, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ để sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng do dịch COVID-19. Về phía ngành Ngân hàng, ông Sơn kiến nghị: NHNN ban hành chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn nợ, giảm lãi suất nhiều hơn, mở rộng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh uy tín, thường xuyên chấp hành tốt các quy định của ngân hàng.
Quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp
Toàn cảnh hội nghị |
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho khách hàng vay vốn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, gồm:
Đối với các TCTD: Quyết liệt và chủ động triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông tư 01; Chủ động đánh giá, phân loại khó khăn của doanh nghiệp theo từng mức độ ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các hình thức, biện pháp hỗ trợ phù hợp với mức độ thiệt hại của khách hàng; các TCTD cần thống nhất, đồng thuận để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng…
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ: Tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Thông tư 01, Chỉ thị 02… coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động năm 2020 của chi nhánh; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến Thông tư 01…
Đối với các đơn vị vụ cục thuộc NHNN: Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh giao Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm đầu mối báo cáo về kết quả Hội nghị, đặc biệt tổng hợp những kiến nghị của đại biểu tại Hội nghị này và các kiến nghị các doanh nghiệp đã gửi NHNN liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng để đề xuất Ban Lãnh đạo NHNN xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Còn với Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, các Hiệp hội tại Hội nghị tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương trình Lãnh đạo NHNN các nội dung sửa Thông tư 01, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, UBND, mặt trận tổ quốc tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ... Để ngành Ngân hàng của tỉnh Phú Thọ triển khai hiệu quả hơn các giải pháp tiền tệ, tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.