Sẵn sàng cho những thay đổi trong một thời kỳ “bình thường mới”

Công nghệ - Ngày đăng : 17:41, 05/08/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi khó lường trong ngành ngân hàng. Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ những ngân hàng với mô hình công nghệ số mới, các ngân hàng truyền thống hiện nay bắt buộc phải ưu tiên việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình khi họ phải đóng cửa các chi nhánh trong thời gian dài do những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được đưa ra bởi chính phủ các nước trên toàn thế giới.  

Để bắt kịp xu thế và tiếp tục đồng hành với khách hàng, các ngân hàng – bao gồm cả ngân hàng số - cần đảm nhận vai trò hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu của khách hàng từ góc nhìn kinh tế. Tại Singapore, khoản vay 4 tỷ đô Sing được phân phối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để giúp họ vượt qua các cú sốc kinh tế. Nhằm hỗ trợ việc này, các ngân hàng tại Singapore đang số hóa các quy trình cho vay của mình để đảm bảo tiền có thể chuyển đến khách hàng chỉ trong 1 tuần. Ở Úc, các ngân hàng cũng đưa ra các biện pháp nới lỏng tín dụng cho những doanh nghiệp nhỏ thông qua kéo dài thời gian trả nợ trong vòng 6 tháng, trong khi chính phủ chuẩn bị phát triển những gói kích thích kinh tế để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Trong lúc ngân hàng dồn lực tập trung vào những biện pháp để giúp khách hàng của mình vượt qua thời kỳ khó khăn, bản thân các ngân hàng cũng cần chuẩn bị cho các tác động mà họ phải đối mặt.

Những áp lực của ngành ngân hàng

Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm từ trước đến nay, nhưng ngành tài chính chưa bao giờ dễ lung lay như tại thời điểm này. Đứng trước những khó khăn đó, các ngân hàng đang thực hiện những biện pháp điều chỉnh sâu về cơ cấu và hoạt động để theo kịp nhu cầu của khách hàng và có thể phục hồi nhanh hơn.

Theo truyền thống, các giám đốc tài chính ngân hàng (CFOs) dựa vào việc ước tính sơ bộ và dự đoán số liệu khi quản lý rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp phân tích này không còn phù hợp với nền kinh tế đầy biến động hiện nay.

Ngoài ra, các CFOs muốn thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số vào chức năng tài chính thường bị cản trở bởi những bộ máy vận hành cồng kềnh và quy trình xử lý phức tạp gây tốn kém và khó khăn để duy trì. Với yêu cầu làm việc từ xa ngày càng tăng cao, thực tế mà những ngân hàng phải đối mặt đó là họ không thể triển khai chuẩn chỉnh việc làm việc từ xa ngay lập tức, do chính cách thiết lập hệ thống của mình.

Mặc dù mô hình hoạt động phi tập trung giữa các chức năng tài chính và chức năng rủi ro từng được cho là an toàn và ổn định hơn, mô hình này không mang lại sự minh bạch, hiệu quả cao và tốn chi phí để hoạt động. Thay vào đó, các quy trình này đòi hỏi thêm chi phí và thời gian, làm gián đoạn khả năng quản lý hoạt động của ngân hàng.

Các ngân hàng hiện nay đã hiểu được sự cấp thiết của việc số hóa các hoạt động tài chính vì đây là cách duy nhất và nhanh nhất để quản lý rủi ro, cải thiện khả năng kiểm soát và nâng cao hiểu biết để tạo ra những doanh nghiệp linh hoạt và dễ thích nghi hơn. Việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây hiện giờ là điều bắt buộc phải có trong lộ trình công nghệ hoá và nằm trong kế hoạch đảm bảo kinh doanh không gián đoạn của các ngân hàng.

Số hóa các quy trình vận hành

Việc chuyển dịch các hệ thống kinh doanh cốt lõi lên đám mây đã cho thấy những giá trị lớn hơn khi giúp nhân viên ngân hàng có thể làm việc từ xa. Đó là một sự thay đổi trong việc quản lý vận hành mà trước đây là không thể khi áp dụng phương pháp phi tập trung với những hệ thống rời rạc. Điều này thể hiện sự thay đổi trong tư duy của các CFOs vì các ngân hàng đang bắt đầu cơ cấu lại quy trình tài chính cốt lõi của mình và ứng dụng những khả năng làm việc từ xa giúp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đặc biệt là khách hàng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB bank) – một trong những ngân hàng bán lẻ lớn tại Việt Nam -  đã triển khai Giải pháp Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) trên nền tảng đám mây của Oracle để hệ thống hoá các quy trình quản lý tài chính doanh nghiệp, thu mua, và quản lý chi phí tài chính dự án. Nhờ đó, ACB có thể đẩy nhanh hoạt động kết toán hàng tháng và lập báo cáo thường kỳ lên tới 50%. Chuyển dịch lên đám mây cũng đồng nghĩa với việc không còn phải quản lý những ứng dụng này trong trung tâm dữ liệu của công ty, giảm thiểu nhân viên làm việc tại chỗ và cho phép đội ngũ tài chính làm việc từ xa mà không bị gián đoạn.

Một ví dụ nữa là Westpac, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Úc, tận dụng Nền tảng Ngân hàng của Oracle vào Trung tâm Dịch vụ Khách hàng hợp nhất của mình để cung cấp cho nhân viên một cái nhìn đồng nhất về tất cả các tương tác của khách hàng. Là ngân hàng với bề dày lịch sử lâu dài, Westpac đã chuyển dịch lên đám mây để đơn giản hóa hạ tầng CNTT của mình và tạo ra trải nghiệm nhất quán khi lấy khách hàng làm trung tâm xuyên suốt các thương hiệu mà ngân hàng này hoạt động tại Úc và New Zealand. Điều này mang đến cho Westpac một lợi thế cần thiết để định vị thương hiệu tốt hơn trong ngành ngân hàng với nhiều quy định khắt khe cùng sự cạnh tranh khốc liệt.

Số hóa chức năng tài chính và quản lý rủi ro

Tình hình kinh tế bất ổn hiện nay đã khiến các ngân hàng chuyển sang việc lập kế hoạch theo kịch bản và lên mô hình chiến lược để đánh giá những khả năng có thể xảy ra, dự đoán doanh thu và thanh khoản, từ đó liên tiếp đưa ra các dự báo ngắn hạn và trung hạn.

Những công nghệ như trí tuệ Nhân tạo (AI) và học máy (ML) được nhúng sẵn trên những ứng dụng đám mây đóng vai trò rất quan trọng khi kiểm soát rủi ro và đưa ra những biện pháp chính xác. Điều này mang đến cơ hội giúp các chủ ngân hàng nâng cao khả năng nắm bắt những thông tin chiến lược, để họ có thể đưa ra quyết định tốt hơn, thúc đẩy việc đổi mới và tăng khả năng cạnh tranh.

Xây dựng khả năng phục hồi trong thời kỳ bình thường mới

Thế giới đang thay đổi và không một ai có thể lường trước được điều gì. Tuy nhiên, sự thay đổi đang dần trở thành một hằng số và ngân hàng cần thay đổi sâu sắc hơn để có thể trở lại mạnh mẽ hơn sau suy thoái kinh tế trong những tháng tới.

Dù là thay đổi trong hoạt động hay trong chức năng, số hóa dữ liệu vẫn là một điều cần thiết cho các doanh nghiệp để giảm thiểu các tác động và vực dậy khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

(Guruprasad Gaonkar - Tác giả bài viết là Giám đốc phụ trách JAPAC SaaS – Mảng Hoạch định Tài nguyên Doanh nghiệp và Chuỗi Cung ứng Số, Oracle)

Guruprasad Gaonkar