Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc NHTW ASEAN+3

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 23:06, 05/08/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 5/8/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cùng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc NHTW ASEAN+3. Tham dự Hội nghị còn có các Phó Thống đốc, Thứ trưởng và đại biểu từ các NHTW, Bộ Tài chính quốc gia thành viên ASEAN+3…

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ diễn biến phức tạp của Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tình hình khó khăn hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nhà hoạch định chính sách trong việc ban hành và thực thi hiệu quả các biện pháp ứng phó và chính sách tổng thể; trong đó đặc biệt lưu ý đến các thách thức trung và dài hạn cũng như khả năng vận dụng “dư địa” chính sách. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ khu vực, đóng vai trò quan trọng giúp các nước thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc thúc đẩy tiến trình hợp tác ASEAN+3, đặc biệt là tăng cường hiệu quả, linh hoạt và tính sẵn sàng của cơ chế hoán đổi trong khuôn khổ sáng kiến Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng mai (CMIM) khi phát sinh nhu cầu hoán đổi trên thực tế từ các nước thành viên là rất cần thiết.

Đáp ứng nhu cầu cấp bách của các quốc gia, tại hội nghị, Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã trình bày kết quả Báo cáo Nghiên cứu “Dư địa chính sách tại các nền kinh tế ASEAN+3 và biện pháp đối phó dịch COVID-19”, theo đó, đề xuất khuôn khổ thiết thực để đánh giá, phân tích “dư địa” chính sách tài khóa và tiền tệ của các thành viên, từ đó đưa ra các nhận định, khuyến nghị chính sách phù hợp trên cơ sở cân nhắc các đặc điểm cụ thể của từng nước.

Cụ thể, AMRO đưa ra đánh giá tổng thể về hiện trạng kinh tế của các quốc gia thành viên dựa trên các chỉ số bền vững nợ có tính tương quan so sánh giữa các nền kinh tế khu vực. Kết quả vào thời điểm nghiên cứu cho thấy hầu hết các nền kinh tế thành viên đều có “dư địa chính sách” nhất định để có thể áp dụng các chính sách kích thích tài khóa ở mức độ khác nhau, trong đó hầu hết các quốc gia BCLMV có “dư địa” chính sách tài khóa ở mức độ từ trung bình đến lớn.

Về chính sách tiền tệ, dựa trên các chỉ số so sánh trong khu vực, AMRO đánh giá hầu hết các nền kinh tế hiện đều có “dư địa” để triển khai chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa, trong đó các nền kinh tế BCLMV có dư địa chính sách tiền tệ ở mức hạn chế hoặc trung bình.

Trước những diễn biến chưa từng có trong tiền lệ của đại dịch COVID-19, khó dự báo về thời gian và mức độ nghiêm trọng cũng như tác động kinh tế và xã hội của đại dịch, các nước thành viên cần triển khai các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế ở mức độ lớn hơn các biện pháp trong giai đoạn bình thường.

Phát biểu kết luận phiên đối thoại chính sách và kiểm điểm kinh tế, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tóm lược các thảo luận của Hội nghị cũng như một số đề xuất tiếp tục tăng cường các cơ chế hợp tác sẵn có trong khu vực cũng như nghiên cứu, phát triển thêm các biện pháp mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại, cụ thể:

(i) Tăng cường hiệu quả hoạt động và tính sẵn sàng của các sáng kiến, cơ chế giám sát/mạng lưới an toàn tài chính khu vực song/đa phương: Thỏa thuận hoán đổi song phương ASEAN (ASA), Thỏa thuận CMIM;

(ii) Hệ thống ngân hàng tiếp tục các nỗ lực, biện pháp chính sách hỗ trợ nhu cầu trước mắt của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính;

(iii) Tăng cường sự phối hợp về thanh tra, giám sát khu vực, kết hợp linh hoạt giữa các quy định quản lý và duy trì các tiêu chuẩn quy định tối thiểu theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo sự lành mạnh và ổn định của khu vực ngân hàng trong trung và dài hạn;

(iv) Phát triển thị trường vốn (phát hành các công cụ nợ) là một kênh huy động thêm nguồn lực cho chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, phản ứng và khắc phục các hệ quả do dịch COVID-19 gây ra (kiểm soát, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, chế tạo vắc-xin), đồng thời tài trợ cho các kế hoạch khôi phục, tái thiết nền kinh tế;

(v) Nghiên cứu, phát triển các cơ chế, công cụ phòng ngừa rủi ro: thúc đẩy sáng kiến về bảo hiểm rủi ro, thiên tai (SEADRIF), phát hành trái phiếu phòng ngừa thảm họa (catastrophe bond).

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính đã phê duyệt 2 tài liệu quan trọng của Thỏa thuận CMIM nhằm hoàn thiện các quy trình phối hợp giữa các bên trong thực tế, cụ thể bao gồm: (i) Hướng dẫn áp dụng khuôn khổ điều kiện chương trình CMIM hợp tác cùng IMF; và (ii) Cập nhật các nội dung sửa đổi Thỏa thuận CMIM.

Ngoài ra, Hội nghị cũng đã phê duyệt ngân sách hoạt động cho AMRO trong năm 2021 và trao đổi về các sáng kiến hợp tác ASEAN+3 trong thời gian tới. Các nội dung này sẽ được tổng hợp và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 dự kiến diễn ra vào ngày 18/9/2020.

 

P.V